Thứ 7, 27/04/2024 02:08:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:32, 03/10/2015 GMT+7

Phi giáo dục trong môi trường giáo dục

Thứ 7, 03/10/2015 | 10:32:00 148 lượt xem
BP - Tháng 9 thường là thời điểm mà mọi người, mọi nhà và cả ngành giáo dục cùng những đơn vị liên quan ưu tiên dành sự quan tâm hàng đầu đưa trẻ đến trường. Khi mọi việc dường như đã đi vào quỹ đạo thì lại dấy lên một chuyện mới: học sinh bị trường đuổi học. Điều đáng chú ý là lỗi không nằm ở các em mà chính sự suy nghĩ, hành xử, cả nổi nóng, nói năng phản cảm, phi giáo dục của người lớn (phụ huynh và nhà trường) khiến các em bị vạ lây.

Vì chiếc cà vạt bị phụ huynh chê xấu mà 1 học sinh bị cho nghỉ học - Ảnh internet

Đầu tháng 9 vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao việc một phụ huynh chia sẻ trên facebook cá nhân của mình chê cà vạt của trường Vstar, quận 7, TP. Hồ Chí Minh xấu để rồi sau đó, con chị bị đuổi học.

Khi báo chí, dư luận xã hội phản ánh đã thu hút khá đông đảo sự quan tâm của mọi người. Phần lớn ý kiến cho rằng, cách phản ứng của người mẹ khi lên facebook chê cà vạt xấu với lời lẽ dè bỉu không phải là cách hay. Quả thật, Ban giám hiệu thật khó bình tĩnh khi đọc “tâm trạng” của phụ huynh trên facebook: “Nhà cháu nông dân không biết cách thắt cà vạt, thế là mẹ cháu cứ buộc nút vào như dây giày rồi treo lên cổ con... Chưa kể mỗi ngày tống vào máy giặt là 2 sợi nó lại rời nhau ra. Kiếm gần chết mới ra 2 cái sợi ấy để cột vào nhau cho thành cái dây đeo cổ!.. Mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé. Nếu không làm được thì dẹp đi, không chả khác nào cái giẻ rách vắt lên cổ các cháu!”.

Thật hiếm người đồng tình với phụ huynh vì cho rằng, cách phát ngôn trên facebook của chị có vẻ xem thường thẩm mỹ nhà trường. Nếu không thích, chị có thể góp ý trực tiếp với trường, chứ không nên dùng lời lẽ thiếu thiện cảm, coi thường nhà trường, tạo tâm lý không tốt cho con”. Song song đó, nhiều bạn đọc cũng không đồng tình với cách xử sự của nhà trường khi đẩy vấn đề đi quá xa. Nhà trường xử lý chưa thỏa đáng khi quyết định buộc bé phải thôi học. Thầy cô, ban giám hiệu của trường có thể rất buồn, rất giận nhưng không thể cho học sinh thôi học một cách đột ngột như vậy vì lỗi của người lớn.

 Chẳng bao giờ bé muốn bị đuổi học nhưng làm sao bé có thể biết mẹ hành động thiếu suy nghĩ như thế để mà... ngăn chặn (?!). Chuyện vốn dĩ rất nhỏ nhưng vì cách hành xử sai lầm của những người lớn nên cuối cùng người khổ nhất là đứa bé, ảnh hưởng đến việc học của chính bé.

Sự việc ở Trường Vstar ở TP. Hồ Chí Minh chưa kịp lắng dịu thì một bà mẹ khác ở Hà Nội lại lên facebook than phiền về bữa trưa, cách học ở Trường mầm non Kinder Care cơ sở tại Ngọc Hà (quận Ba Đình) khiến con trai 2 tuổi rưỡi của người này bị buộc thôi học vào ngày 28-9. Sau khi bé bị buộc thôi học, phụ huynh phải gửi con cho bà ngoại và loay hoay tìm lớp mẫu giáo mới cho con. Quả là nan giải vì hiện đã vào năm học mới gần một tháng, đa số các trường không còn nhận học sinh.

Dù có tìm cách biện minh kiểu gì thì hành động của phụ huynh và phán quyết của nhà trường đều phản giáo dục và để lại hậu quả xấu. Học sinh vô tội nhưng lại phải hứng chịu cơn nóng giận của người lớn. Các cháu học được gì ở bậc làm cha làm mẹ khi cứ giận là bung ra lời lẽ không mấy thiện cảm lên mạng xã hội? Còn phía nhà trường, các cháu sẽ nghĩ gì về thầy cô giáo khi bị đuổi học không phải lỗi do mình gây ra?

Đương nhiên, qua sự việc cho thấy, cả phụ huynh và lãnh đạo nhà trường đều không đúng. Nhất là quyết định của 2 trường đều trái với mục tiêu, nguyên lý và phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay. Quyết định đó còn trái với Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc đuổi học học sinh phải được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, do hội đồng kỷ luật thống nhất.

Tuy nhiên, giờ cần thiết nhất vẫn là sửa lỗi. Cả phụ huynh và nhà trường cần ngồi lại để chia sẻ, cảm thông và hủy bỏ ngay quyết định đuổi học để các cháu lại tiếp tục được đến trường. Chỉ có như vậy mới mong xóa được mặc cảm buồn trong tâm hồn trẻ thơ. 

An Nhiên

  • Từ khóa
85472

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu