Thứ 7, 27/04/2024 05:38:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:31, 23/05/2018 GMT+7

Phát triển ngành điều gắn với chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”

Thứ 4, 23/05/2018 | 09:31:00 2,064 lượt xem
BP - Trong khuôn khổ các hoạt động đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, sáng 22-5, UBND tỉnh và Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Giải pháp phát triển ngành hàng điều gắn với quản lý chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.

>> Đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”

Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đồng chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo, về phía đơn vị tài trợ Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” có ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam và các chuyên gia của Pháp; 250 đại biểu là lãnh đạo, công chức phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ sở KH-CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực Đông Nam bộ; các doanh nghiệp và nông dân trồng điều tiêu biểu trên địa bàn tỉnh...

Các đại biểu tham quan gian hàng hạt điều Bình Phước tại hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”  - Ảnh: T.Ly

Hội thảo có 7 báo cáo tham luận và 1 phát biểu của ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An (phường Phước Bình, thị xã Phước Long). Phóng viên Báo Bình Phước lược ghi các ý kiến tham luận quan trọng trong xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước.

BÌNH PHƯỚC - TỈNH ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ hạt ĐIỀU

Bình Phước có 174.000 ha điều, chiếm 50% sản lượng điều cả nước. Thiên nhiên ưu đãi, tiếng thơm hạt điều Bình Phước đã có trên thị trường trong và ngoài nước. Cây điều đã góp phần ổn định cuộc sống 71.612 hộ nông dân; giải quyết việc làm cho 50 ngàn lao động tại 225 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn. Xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hạt điều Bình Phước là cơ sở để Bình Phước trở thành “thủ phủ” cả về chế biến, xuất khẩu, góp phần tăng giá trị hạt điều Bình Phước trên thị trường, tăng thu ngân sách tỉnh.

Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm phát biểu kết luận tại hội thảo

Những năm qua, Bình Phước có nhiều chính sách, định hướng nhằm phát triển ngành điều. Trong đó, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều Bình Phước được xác định là giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, mở rộng xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ngành điều bền vững. Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH-CN, hạt điều Bình Phước trở thành một trong 2 sản phẩm được hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ. Phát triển chỉ dẫn địa lý là công cụ giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước cho biết, ngành điều đóng góp 51% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” được công bố làm cho thương hiệu hạt điều thô và nhân điều Bình Phước nổi bật với các đặc trưng nhờ thiên nhiên ưu đãi. Ông Nguyễn Anh Hoàng cho rằng, ngành nông nghiệp cần chú trọng khâu tuyển chọn giống đầu dòng, tìm kiếm các giống điều có năng suất cao, chất lượng tốt; doanh nghiệp cần ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quy trình trồng và chế biến nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. “Với sự cầu thị và niềm tự hào “thủ phủ của cây điều tại Việt Nam”, chúng tôi khẳng định rằng: Ngành điều Bình Phước đang phát triển đúng hướng, góp phần rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu “Hạt điều Bình Phước” nói riêng và “Hạt điều Việt Nam” nói chung” - ông Nguyễn Anh Hoàng nói.

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CHỈ DẪN ĐỊA LÝ HẠT ĐIỀU

Tại hội thảo, ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định hạt điều Bình Phước có hương vị thơm ngon đặc biệt, người tiêu dùng dễ phân biệt với hạt điều nhập khẩu. Do đó, hạt điều Bình Phước nếu được tách riêng với điều nhập khẩu giá bán phải cao hơn 20-30%. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Anh Hoàng cho rằng, để bảo tồn, phát triển chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” phải giải quyết hài hòa quyền lợi giữa nông dân - doanh nghiệp - thương gia trong chuỗi giá trị hạt điều Bình Phước.

“Từ bài học thực tiễn trong xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cà phê Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắk Lắk, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước ban hành những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ việc trồng, sản xuất, chế biến điều; đưa ra những chế tài nghiêm khắc để bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với giống cây điều Bình Phước; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm từ hạt điều nhằm mang lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm điều”.

Tiến sĩ Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN đề nghị.

Tham luận của bà Lê Thị Thành, Phó giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đắk Lắk về “Khó khăn, thách thức trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Mê Thuật”” được cho là kinh nghiệm quý đối với bảo vệ, phát triển chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” trong hiện tại và tương lai. Bà Lê Thị Thành cho rằng, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho nông sản rất khó khăn nhưng để bảo vệ và phát triển thương hiệu cần phải thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại trên thị trường trong, ngoài nước. Phải có kế hoạch vận hành hệ thống kiểm soát. 

Phát biểu kết luận tại hội thảo, tiến sĩ Lê Ngọc Lâm cho rằng: Có được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là điều rất khó nhưng giữ vững và phát triển chất lượng hạt điều Bình Phước sau bảo hộ mới là thách thức, nhiệm vụ khó khăn đối với nông dân trồng điều, doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều trên địa bàn tỉnh. Phải xây dựng cơ chế phòng ngừa, giải quyết các xung đột lợi ích trong chuỗi sản xuất - kinh doanh hạt điều. Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với hạt điều Bình Phước, trước mắt là sử dụng nguồn lực các cơ quan chức năng, tặng cường năng lực quản lý đối với Hội điều Bình Phước và Hiệp hội Điều Việt Nam. Cần tuyên truyền để nâng cao hơn nữa trách nhiệm xây dựng, bảo vệ thương hiệu, sử dụng tốt chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” trong bối cảnh hiện nay...

P.Hà - T.Ly

  • Từ khóa
20729

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu