Thứ 7, 27/04/2024 00:15:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:10, 24/10/2019 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY ĐỔI TÊN HUYỆN BÌNH LONG THÀNH HỚN QUẢN

Nông nghiệp Hớn Quản trên đà bứt phá

Thứ 5, 24/10/2019 | 07:10:00 1,015 lượt xem
BP - Phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản sạch là mục tiêu huyện Hớn Quản đang hướng tới. Những năm gần đây, huyện đã thực hiện nhiều đề án chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững. Trong đó, ưu tiên các mô hình phát triển gắn với thị trường, có liên kết tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản.

LÀM NÔNG HIỆN ĐẠI

Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng để tạo ra sản phẩm dưa lưới sạch, đạt chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng là cách mà nhà nông Phạm Văn Chung ở tổ 8, khu phố 1, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản đang áp dụng cho 5 sào dưa lưới của gia đình. 30 năm sinh sống và làm nông nghiệp, từng trồng nhiều loại hoa màu, điều, cao su, nhưng giá nông sản bấp bênh khiến ông Chung trăn trở nghĩ cách chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng địa phương. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao phù hợp khí hậu, đất đai ở Hớn Quản, năm 2017, ông Chung quyết định chuyển đổi 5 sào đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng.

Ông Phạm Văn Tấn (bên phải) ở khu phố 1, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản kiên định trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ để xây dựng thương hiệu riêng

Tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng trồng dưa lưới trong nhà màng giảm tối đa các loại sâu, bệnh gây hại, hầu hết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ông Chung tính toán, đầu tư cho 1.000m2 đất khoảng 300 triệu đồng, gồm nhà màng và hệ thống tưới nước, bón phân tự động theo công nghệ Israel. Với mức đầu tư này sử dụng được từ 8-10 năm mới thay thế. Sau 3 năm trồng, đến nay việc xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống, tưới nước, bón phân... được ông thực hiện như một kỹ sư chuyên nghiệp.

“Do yêu cầu khắt khe của thị trường nên từng công đoạn trồng dưa đều phải tỉ mỉ và tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân trùn quế để tạo độ ngọt cho dưa. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dưa lưới trên thị trường rất lớn, tôi chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với các doanh nghiệp ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Thời gian từ 70-75 ngày/vụ, dưa lưới công nghệ cao trồng được 4 vụ/năm, năng suất từ 3,5-4 tấn/1.000m2, khi dưa chín, doanh nghiệp đến tận vườn thu mua với giá 32-35 ngàn đồng/kg. Một vụ dưa tôi thu lãi từ 250-300 triệu đồng nên sau 1 năm đã thu hồi vốn và có lời” - ông Chung phấn khởi nói.

Sau khi thanh lý vườn nhãn già cỗi, ông Phạm Văn Tấn ở tổ 2, khu phố 1, thị trấn Tân Khai chuyển sang trồng bưởi da xanh và quýt đường. Hiện 300 cây bưởi và 400 cây quýt đường trồng trên 1,5 ha của gia đình ông bắt đầu cho thu. Giống bưởi da xanh không hạt được ông lấy từ quê hương Bến Tre và trồng theo hướng hữu cơ để cây phát triển bền, cho trái ngon, sạch và đạt chuẩn an toàn. Tuy nhiên, ông Tấn cho rằng, trồng bưởi hữu cơ không phải là hướng đi dễ dàng vì cây không xanh tốt mơn mởn như dùng phân hóa học. Trái bưởi mất bao công chăm sóc, nhưng vẫn phải cắt bỏ vì không bóng, đẹp bằng nhà vườn khác. Dù bước đầu khó khăn, nhưng ông Tấn cũng không ngại vì làm bưởi sạch mới là bài toán bền vững để phát triển thương hiệu loại trái cây đặc sản mang tên Hớn Quản.

BỨT PHÁ TỪ NÔNG NGHIỆP

Là một trong 4 huyện được quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh với diện tích 500 ha, Hớn Quản đang được kỳ vọng là địa bàn trọng điểm trong phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Huyện đang quan tâm chỉ đạo nhân rộng các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tạo chuỗi giá trị liên kết. Để làm được điều đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tư duy, cách làm của lãnh đạo, công chức tới người dân về sản xuất nông nghiệp. Lãnh đạo huyện cũng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, con người cho phát triển nông nghiệp.

5 sào dưa lưới trong nhà màng giúp gia đình ông Phạm Văn Chung ở tổ 8, khu phố 1, thị trấn Tân Khai thu về hơn 700 triệu đồng/năm

Nhờ bám sát các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà từ vài sào trồng thử nghiệm, đến nay diện tích trồng dưa lưới ở Hớn Quản đã tăng lên hàng chục hécta, hướng đến thành lập hợp tác xã dưa lưới công nghệ cao trong thời gian tới. Đến nay, toàn huyện có 209 trang trại (tăng 4 trang trại so năm 2015) với tổng diện tích 5.226 ha, tạo việc làm cho 5.183 lao động; 24 tổ hợp tác nông nghiệp (tăng 12 tổ hợp tác so năm 2015) với 168 tổ viên và 12 hợp tác xã nông nghiệp, vận tải... Trong đó, hợp tác xã tiêu sạch liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice theo phương thức đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và bao tiêu đầu ra; hợp tác xã bưởi da xanh cung cấp bưởi cho các siêu thị đạt chuẩn đầu ra 1,4-1,5kg/trái, bảo đảm thu nhập bình quân của mỗi thành viên 78,5 triệu đồng/năm... Đối với chăn nuôi, huyện hình thành nhiều mô hình liên kết giữa hộ nông dân với các công ty lớn của nước ngoài, như C.P Thái Lan, Japfa Hà Lan... Nhiều nông hộ đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi heo, gà lạnh theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Song song đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Sở Khoa học và Công nghệ đang được thực hiện trên địa bàn, như trồng dưa lưới, bắp nếp trên đất ruộng gò vào mùa khô hay trồng rau rừng, rau an toàn trong nhà màng... Huyện còn tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, như trồng tiêu an toàn tại 2 xã Thanh An, An Khương; trồng bắp biến đổi gen ở 2 xã Phước An và An Khương; trồng rau an toàn trong nhà kính ở thị trấn Tân Khai...

Hớn Quản đã và đang có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp do lực lượng lao động dồi dào, đất đai màu mỡ, địa hình, giao thông thuận tiện, đặc biệt trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm đang là thế mạnh của địa phương. Để kinh tế trang trại ngày càng khởi sắc, huyện đang quan tâm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hy vọng, thời gian tới nông nghiệp Hớn Quản sẽ tạo bứt phá, xứng đáng là một trong 4 địa bàn trọng điểm về phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Ngân Hà

  • Từ khóa
44992

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu