Thứ 7, 27/04/2024 00:58:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 06:06, 15/01/2016 GMT+7

Niềm đam mê cây cảnh của một nghệ nhân

Thứ 6, 15/01/2016 | 06:06:00 659 lượt xem
BP - 8 năm tham gia hội hoa xuân thị xã Đồng Xoài thì đã có 4 năm nghệ nhân Trần Huy Cang, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã Đồng Xoài đoạt giải nhất “Cây cảnh đẹp nhất”. Thế nhưng, ít ai biết thú chơi của ông Cang không phải chỉ được đầu tư bằng tiền, mà còn là cả sự đam mê, sáng tạo và tình yêu thiên nhiên mê đắm.

Để giúp “người ngoại đạo” như tôi hiểu về thú chơi cây cảnh, ông Cang giảng giải: “Đối với người chơi cây cảnh, bất cứ cây nào cũng có thể trở thành đối tượng nghệ thuật. Với con mắt tinh tế, sức sáng tạo, sự kiên trì, nghệ nhân sẽ là người biến cây vô tri thành tác phẩm nghệ thuật. Theo cảm quan của mỗi người mà có thể tác phẩm vô giá với người này nhưng chẳng hề có giá trị với người kia”.

KỲ CÔNG VỚI THÚ CHƠI

Cứ nghĩ cuộc sống một giảng viên Toán - Lý khi về hưu sẽ khô khan, đơn điệu nhưng từ khi đam mê thú chơi cây cảnh, ông Cang thấy cuộc đời sống động hơn hẳn. Ông kể: “Năm 2007, tôi bỏ 67 triệu đồng mua một cây xanh ở tỉnh Đồng Nai về chơi. Do trước đó đã được chăm sóc, sau một thời gian “thổi hồn” và đặt tên, “Cây xanh dáng làng” của tôi được nhiều người trong giới trầm trồ khen ngợi”. Tác phẩm cao, to với diện tích khoảng 25m2 đã biến ông Cang từ một người thích trở thành nghệ nhân cây cảnh. Ông mua thêm cây, mở rộng vườn để thỏa mãn thú chơi của mình. Hiện ông có 85 cây cảnh dạng trung và lớn, đặt tại 2 khu vườn ở phường Tân Xuân, Tân Đồng và nhà ở phường Tân Phú bao gồm các loại: xanh, tùng, mai, lộc vừng, vú sữa, mai chiếu thủy, nguyệt quế... Các cây đều được ông chăm sóc kỹ, với phương châm “luôn có cây mới và có cây để “đi chơi””.

Ông Trần Huy Cang giới thiệu về cây xanh mình ưng ý

Không đặt nặng vấn đề kinh tế nên xung quanh tác phẩm nghệ thuật của ông có những câu chuyện khiến nhiều người cảm thấy “tiếc”. Đó là chuyện ông mang cây vú sữa dáng làng đi giao lưu tại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sau đó được Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thanh Hóa năn nỉ “chia lại” với giá 46 triệu đồng, trong khi trước đó ông mua với giá 1,7 triệu đồng; hay như cây xanh đầu tiên, khi mua chỉ 67 triệu đồng nhưng 3 năm sau có người trả 850 triệu đồng nhưng ông nhất định không bán, đến nay giá cây xanh chỉ còn khoảng 150 triệu đồng. Thậm chí cây lộc vừng hóa long hiện đã có người ra giá 320 triệu đồng và ông cũng không muốn bán. Có 2 tác phẩm mà ông Cang tâm đắc nhất, đó là “Cây xanh dáng trực huyền bám đá” và “Cây lộc vừng hóa long”, giá trị khoảng 350 triệu đồng/cây. “Tôi ước theo giá thị trường, còn người chơi cây cảnh có cảm quan riêng, nếu thích thì giá bao nhiêu họ cũng mua” - ông Cang cho biết.

NHIỆT TÌNH VỚI CÔNG TÁC HỘI

Đến nay, ông Trần Huy Cang đã có 8 năm gắn bó với Hội Sinh vật cảnh thị xã Đồng Xoài trên cương vị Chủ tịch hội. Ban đầu hội chỉ có 27 hội viên, đến nay đã tăng lên 73 nghệ nhân sinh hoạt tại 3 câu lạc bộ: Chim cảnh, Cây cảnh nghệ thuật và Tượng gỗ lũa, Cây bon sai. Hiện Câu lạc bộ Cây bon sai hoạt động tích cực nhất, mỗi tháng 1 lần, các câu lạc bộ khác sinh hoạt quý/lần, riêng hội sinh hoạt 2 lần/năm. Dự kiến sắp tới, hội sẽ thành lập thêm Câu lạc bộ Hoa lan và cây lá màu. Ông Cang cho biết: Xu thế hiện nay thiên về cây bon sai, vì cây này chiếm diện tích nhỏ, đầu tư ít và nhanh được “đi chơi”. Chơi bon sai có tiêu chuẩn riêng nhưng trên cơ sở tôn trọng dáng tự nhiên. Bon sai hiện được ưa chuộng là cây mai vàng, mẫu đơn, tùng, mai chiếu thủy, linh sam.

Ở thị xã Đồng Xoài, hội chợ hoa xuân Bính Thân từ ngày 29-1 đến 5-2-2016, tại khu vực vỉa hè các đường Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và trước Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh. Hội chợ năm nay gồm các hoạt động: Trưng bày, kinh doanh buôn bán cây cảnh, hoa cảnh, cá cảnh, đồ gốm sứ mỹ nghệ, trái cây. Thời gian diễn ra hội chợ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ nhân dân đến tham quan, mua sắm. Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức chấm thi, trao giải các gian hàng, cây cảnh đẹp.

Bên cạnh việc thỏa mãn đam mê, hiện nay nhiều nghệ nhân sinh vật cảnh ở Đồng Xoài còn phát triển kinh tế từ thú chơi này. Ông Cang nói: “Sắp tới, hội sẽ xin chủ trương thị xã xây dựng địa điểm sinh hoạt; nhận chăm sóc và kiến tạo khu vực Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài thành điểm tham quan. Đồng thời vận động hội viên liên kết làm kinh tế từ sinh vật cảnh để đóng góp nguồn thu cho địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động”.

Thời điểm này, các nghệ nhân ở Đồng Xoài đang tất bật chăm sóc “tác phẩm nghệ thuật” ưng ý nhất của mình để tham dự hội chợ hoa xuân Bính Thân  năm 2016. Ở sân chơi thường niên năm nay, Hội Sinh vật cảnh thị xã Đồng Xoài sẽ có 3 gian hàng trưng bày khoảng 120 chậu cây bon sai, 5-7 tác phẩm tượng gỗ lũa, 10 cây cảnh nghệ thuật; đồng thời tổ chức hội thi tiếng hót Chim chào mào lần thứ III. Năm nay, ông  Cang sẽ tham gia trưng bày tác phẩm “Cây xanh dáng huyền”. Cây này đã được ông chăm sóc kỹ trước ngày “đi chơi” 1,5 tháng và bón phân để ra lộc non.

P.Dung

  • Từ khóa
91707

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu