Thứ 6, 26/04/2024 21:15:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 17:35, 31/08/2017 GMT+7

Những chuyện buồn đầu năm học mới

Nguyên Thủy
Thứ 5, 31/08/2017 | 17:35:00 128 lượt xem

BPO - Cùng cả nước, những ngày này các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang gấp rút chuẩn bị cho năm học mới. Năm học này, ngân sách tỉnh Bình Phước đầu tư sửa chữa và xây mới 705 phòng học và 265 phòng chức năng; thị xã Đồng Xoài đầu tư xây mới 115 phòng, trong đó có 47 phòng học và 68 phòng chức năng; thị xã Phước Long năm học này thành lập mới trường THCS Long Phước với kinh phí xây dựng 6,9 tỷ đồng. Trên cơ sở nhu cầu của ngành giáo dục, các huyện, thị còn lại đều cân đối ngân sách để xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp phòng học, phòng chức năng. Bên cạnh sự đầu tư của ngân sách Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để huy động sức mạnh cộng đồng, giành sự quan tâm đặc biệt cho các em trong ngày đầu năm học mới. Có thể thấy chăm lo cho con em trong ngày khai trường đã trở thành đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. 

Ấy vậy mà trong những ngày này, báo chí lại phát hiện UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) “quên” chi trả hơn 5,6 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo từ năm học 2013-2014. Hiện Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Nghệ An đã vào cuộc để kiểm tra, làm rõ sự việc. Theo thông tin ban đầu, năm học 2013-2014, thực hiện Nghị định 74 của Chính phủ, huyện Tương Dương có 9.866 học sinh nghèo được hỗ trợ với tổng số tiền 55,6 tỷ đồng. Thế nhưng đã 3 năm qua, số tiền hỗ trợ học sinh nghèo vẫn bị “ngâm” không chi trả. Khi báo chí chất vấn về việc này thì ông Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trả lời là “quên”. 

Rồi cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng tiền hỗ trợ học sinh nghèo ở huyện Tương Dương. Điều đáng nói là trong lúc cả xã hội giành sự quan tâm đối với việc học tập của các em, nhất là những học sinh nghèo thì đó đây vẫn còn nhiều việc làm vô cảm, tước đi của các em cơ hội đến trường. Mùa tựu trường luôn là niềm vui háo hức của trẻ, nhưng cũng luôn là nỗi trăn trở lo toan của các bậc phụ huynh về những khoản đóng góp dịp đầu năm học. Với những gia đình công chức, dù khó khăn nhưng ít nhiều đã có những khoản thu nhập cố định hàng tháng để dành dụm cho con mùa tựu trường. Còn những người nghèo, lao động phổ thông với thu nhập bấp bênh, mỗi mùa tựu trường thì gánh nặng đóng góp lại khiến họ oằn vai. Ngặt nỗi cứ mỗi năm, tiền trường lại tăng lên. Tại thị xã Đồng Xoài, năm học này bình quân 1 học sinh tiểu học (lớp 2 buổi) và THCS phải đóng khoảng 2 triệu đồng cho tất cả các khoản bắt buộc và vận động; học sinh THPT phải đóng nhiều hơn, đầu năm khoảng 3,5 triệu đồng và cả năm khoảng 7 triệu đồng. Như vậy, một gia đình có 2 con đi học phải lo một khoản khá lớn. Ở nhiều trường trong cả nước, ngoài các khoản bắt buộc như học phí, xây dựng, bảo hiểm y tế, nhà trường còn “đẻ” ra các khoản thu khác như đồng phục, tiền trang trí phòng học, bảo dưỡng máy tính, quỹ lớp, quỹ đội, hỗ trợ lớp bán trú, tiền trực trưa, tiền bảo vệ, tiền xây tường rào và mua giường, tiền bồi thường đất xây dựng trường, tiền xây dựng nhà vệ sinh dành cho cha mẹ học sinh, quỹ khuyến học, hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền điện, tiền công tác tình nghĩa với giáo viên… Có cả những khoản tiền thu hộ cho cơ quan bảo hiểm!

Câu hỏi đặt ra là vì sao các trường lại phải “bao đồng”, ôm đồm từ việc bán sách giáo khoa, tập viết, đồ dụng học tập đến cả đồng phục của học sinh và làm hộ cả việc cho cơ quan bảo hiểm? Câu trả lời có phần đơn giản nhưng khá chính xác là hai chữ “hoa hồng”. Tiền hoa hồng được công ty bảo hiểm trích lại hàng năm không nhỏ mà còn được “biệt đãi” riêng như thưởng cho hiệu trưởng, kế toán những chuyến du lịch miễn phí, những phần quà hấp dẫn. Hoặc chỉ một bộ sách giáo khoa lớp 2, nhà trường bán theo giá bìa 178 ngàn đồng nhưng ra hiệu sách sẽ được giảm tới 30%, tương đương 50 ngàn đồng. Nếu bán với số lượng hàng trăm bộ sách như thế thì số “hoa hồng” nhận được không hề nhỏ. Rồi tiền đồng phục mua trong trường bao giờ cũng đắt hơn ở ngoài mỗi bộ đồ từ vài chục ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng…

Những chuyện đáng buồn như huyện Tương Dương “quên” tiền hỗ trợ học sinh nghèo suốt 3 năm qua; những việc ôm đồm của một số không ít nhà trường xuất phát từ hai chữ “hoa hồng” đã và đang góp phần rút ngắn con đường học tập của những học sinh nghèo. Chẳng phải các em không muốn đến trường, cũng chẳng phải cha mẹ các em muốn con thất học. Chỉ đơn giản là họ không có đủ tiền để cho con thực hiện ước mơ vì các khoản đóng góp ngày một nhiều mà mức thu nhập hằng ngày của họ không thể cáng đáng nổi. Làm thế nào để năm học mới không chỉ là niềm vui của trẻ nhỏ mà còn là niềm vui của các bậc cha mẹ? Chẳng có cách nào khác ngoài việc từng nhà trường chỉ nên làm đúng chức trách của mình là dạy và học. Ngăn dòng bỏ học của những trẻ em nghèo thì lương tâm của người lãnh đạo trong mỗi trường học là quan trọng nhất. Đừng vì những đồng “hoa hồng” bạc bẽo kia mà lạnh lùng chất lên vai cha mẹ các em gánh nặng tiền bạc để tước đi những năm tháng học trò tươi đẹp của các em.

  • Từ khóa
87114

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu