Thứ 7, 27/04/2024 03:21:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 16:07, 13/07/2017 GMT+7

Nghề rèn truyền thống của người Mơnông Bình Phước

Thứ 5, 13/07/2017 | 16:07:00 488 lượt xem
BP - Nghề rèn của người Mơnông Bình Phước đã có từ lâu đời, gắn bó với bao thế hệ đàn ông khỏe mạnh. Đây là công việc nặng nhọc, đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe và sự dẻo dai, độ khéo léo trong công việc. Sản phẩm làm ra là các loại công cụ có chất liệu bằng kim loại như dao côi, xà gạc, xà bất, rìu bổ củi... dùng trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày hoặc để trao đổi hàng hóa trong cộng đồng.

Có thể nói, bộ dụng cụ phục vụ trong nghề rèn của người Mơnông Bình Phước khá đơn giản gồm bếp lò, ống thụt, đe, búa, đồ gắp, đá mài... Mỗi khi chuẩn bị rèn các vật dụng cũng như dụng cụ lao động, người thợ sẽ đắp bếp lò bằng đất. Để tạo ra gió đốt than trong bếp lò, người thợ rèn Mơnông dùng hai ống lồ ô có đường kính từ 10-15cm và cao khoảng 85-100cm để làm ống thụt. Cây thụt làm bằng gỗ có kích thước gần bằng ống lồ ô và được quấn vải tạo thành các sợi tua rua với mục đích tạo ra hơi ở phía trong ống mỗi khi kéo lên đẩy xuống. Phía dưới đáy của ống thụt có hai ống thông ra bếp lò được làm bằng nhánh hoặc thân cây lồ ô có đường kính từ 1,5-2cm để dẫn khí ra đốt than cho người thợ tôi kim loại.

Ông Điểu Khé ở thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) vẫn duy trì nghề rèn để phục vụ gia đình

Với khuyết điểm nhanh hư và khó bảo quản của các ống lồ ô dùng làm ống thụt, vì vậy một số thợ rèn người Mơnông trong kháng chiến chống Mỹ đã sử dụng ống pháo sáng của Mỹ ném xuống, có chất liệu bằng nhôm để sử dụng được lâu dài. Đe rèn làm từ nhiều vật dụng khác nhau, có người dùng miếng sắt lớn nhưng các thợ rèn chủ yếu dùng vỏ đạn pháo cối vì vừa nhẹ vừa có mặt tiếp diện rộng sẽ dễ dàng trong quá trình rèn.

Khi rèn thường có hai người, một người kéo ống thụt tạo hơi gió đốt than theo nhịp lên xuống và một người khi kim loại nóng sẽ lấy ra để lên đe bằng đồ gắp và dùng búa tạo hình dáng của sản phẩm. Thông thường, người rèn thường là vợ chồng hoặc cha con. Thụt hơi thường là người phụ việc, người dùng búa để tạo nên các sản phẩm là người thợ rèn chính. Các sản phẩm nghề rèn của người Mơnông có tính năng khá đa dạng và phong phú: xà gạc dùng để chặt, xà bất dùng cuốc đất và đa năng nhất phải kể đến dao côi. Dao côi có thể dùng vót nan trong đan lát, dùng để xắt thức ăn trong sinh hoạt và mổ trâu, heo trong lễ hội... Dao côi gắn liền với người Mơnông như hình với bóng, là vật bất ly thân và cũng là kỷ vật có thể trao tặng nhau để thể hiện tình cảm của mình.

Trước đây, nghề rèn của người Mơnông Bình Phước rất nổi tiếng, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cộng đồng người Mơnông ở khu vực Đắk Nhau, Bom Bo thuộc huyện Bù Đăng ngày nay. Đây là một trong những địa điểm người Mơnông Bình Phước thường đến mua những con dao côi, xà gạc hay xà bất trang bị cho mình và người thân nhằm phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất. Các sản phẩm nơi đây có hình dáng đa dạng và đẹp, có độ sắc bén và chất lượng tốt.

Ngày nay, khoa học - kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm hàng hóa phục vụ sinh hoạt, lao động sản xuất trở nên đa dạng và quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Chính vì vậy đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người Mơnông Bình Phước đã có sự đa dạng và phong phú hơn. Cũng như các nghề truyền thống khác, nghè rèn của người Mơnông Bình Phước đang ngày bị mai một. Những tiếng búa, tiếng đe đã không còn vang lên thường xuyên trong cộng đồng người Mơnông như trước kia nữa. Tuy nhiên, trong cộng đồng vẫn còn những người Mơnông đang duy trì nghề để rèn con dao côi, sửa chiếc rìu bổ củi hay tạo ra xà gạc truyền thống để phục vụ bản thân.

Đinh Nho Dương

  • Từ khóa
93075

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu