Thứ 7, 27/04/2024 07:35:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:41, 28/03/2019 GMT+7

“Luồng gió mát” từ mít Thái siêu sớm

Thứ 5, 28/03/2019 | 13:41:00 1,357 lượt xem

BP - Trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản không ổn định như hiện nay, giống mít Thái siêu sớm Changai như một luồng gió mát đối với nông dân bởi nguồn thu hấp dẫn. Với việc nhạy bén lựa chọn trồng xen mít và bưởi da xanh, ông Nguyễn Văn Ngài (SN 1966) ở ấp Trung Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản thu lợi ít nhất 250 triệu đồng/năm từ mít Thái trong khi chờ cây bưởi cho thu hoạch.

LỢI ÍCH KÉP

Với 8 sào đất gần sông đã trồng qua nhiều loại cây như nhãn, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, cao su từ khi rời quê Tiền Giang lên Bình Phước lập nghiệp năm 1997, đến nay, ông Ngài đã trồng thay thế 400 cây mít Thái siêu sớm Changai da xanh, ruột vàng, trái lớn, trung bình 15kg/trái, có trái đạt 23kg, tuổi thọ cây 8-10 năm. Ông Ngài cho biết: Mức đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu đồng cho 400 cây giống, phân bón, hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm chi phí, nhân công. Với mật độ cây cách cây, hàng cách hàng 3m, ông trồng xen bưởi da xanh trong vườn mít, tận dụng tán cây mít che nắng để bưởi phát triển tốt, tránh bị táp nắng hoặc bị nám sạm trái. Cách làm này đem lại lợi nhuận kép, giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, đồng thời tận dụng tối đa lượng nước tưới, phân bón. Chỉ mới 22 tháng xuống giống mít đến nay, ông thu trên 150 triệu đồng sau 3 lần thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Ngài (bên phải) chia sẻ cách chọn trái mít Thái cho cán bộ hội và nông dân xã Thanh An

Ông Ngài còn nuôi dê, tỉa những trái bị bệnh, xấu, lá mít làm thức ăn cho dê; đồng thời trồng thêm các loại rau cung cấp thức ăn cho dê vào mùa nắng để đảm bảo nguồn phân bón cho vườn mít, bưởi. “Tôi trồng đa canh để khi cây này thất thu thì cây khác bù lại. Hiện nay mít giá cao, cây nhanh thu hoạch nên tôi ưu tiên hơn” - ông Ngài nói về dự định sẽ trồng mít Thái siêu sớm trên 5 sào tầm vông mới cưa.

Với cây mít, trái đạt trọng lượng cao có thể cho thu bạc triệu mà người trồng không tốn nhiều công thu hoạch. “Mít Thái Changai có ưu điểm thơm, ngọt, giòn. Đợt vừa rồi tôi bán 1 trái nặng 18kg, giá 51 ngàn đồng/kg, được 900 ngàn đồng, thương lái vào tận vườn chọn trái, hái, cân, tôi chỉ việc tính tiền. Khi gần đến ngày thu, hết thương lái này đến thương lái khác vào vườn để tìm mua. Giá lên xuống từng ngày, có ngày 9 giờ họ báo một giá, 3 giờ chiều báo một lần nữa, y như vàng vậy đó “Bởi ngon, chất lượng, mít này chủ yếu đi “hàng tươi”. Tôi trồng xen bưởi dù giá 20 ngàn đồng/kg cũng có lời. Một cây mít 4 trái 40kg thôi, nếu tính giá 25 ngàn đồng/kg, 1 năm tôi cũng thu cả triệu bạc/cây” - ông Ngài phấn khởi nói.

 Trong khi nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác chật vật tìm đầu ra thì hiện người trồng mít chỉ việc ngồi chờ thương lái đến thu mua khi mít chín. Trước tết Nguyên đán có người đến đặt cọc mua với giá 60 ngàn đồng/kg mít ông Ngài vẫn không đồng ý. Ông chia sẻ, “Tôi không ham nhận đặt cọc giá cao, bởi nhận rồi chẳng có thương lái nào vào vườn được nữa. Họ độc quyền, lúc đó mình chỉ có một sự lựa chọn”.

“KHÔNG DỄ ĂN”

“8 tháng mít đã ra trái nhưng mình tỉa bỏ để nuôi cây cứng cáp, đến 1 năm mới cho ra trái. Cây mít hay bị xơ đen (xơ mít bị đen), loại bệnh này không có thuốc trị. Mít Thái siêu sớm Changai xịt thuốc hay bón phân chỉ độc một thứ, không được pha trộn khiến cây bị sốc dễ bị xơ đen. Trước khi xuống giống mít phải cày xới, đánh liếp, ủ phân bò hoai mục, cộng với Trichoderma và một số phân lân, ủ trong vòng 2-3 tháng, sau đó đổ vào mô đất, trộn thật đều, cho cây giống xuống độ sâu ngang mặt bầu, dần dần rễ phát triển, gặp mưa cây không bị thối cổ rễ” - ông Ngài nói. Để đạt năng suất cao, giống phải đảm bảo chất lượng. Trị sâu đục thân cần lấy cọng dây chì dùi lỗ sâu đục rồi dùng bông gòn chấm thuốc vào. Người trồng lưu ý không nên bón phân heo, bởi loại phân này nhiều đạm, không thích hợp với cây.

Mỗi trái mít từ lúc mới ra đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng. Mỗi cây ông Ngài tỉa trái thành nhiều đợt/năm, mỗi lứa chỉ 4-5 trái/cây để lúc nào cũng có thu hoạch. Khi trái bắt đầu tạo cám, ông dùng bọc lưới bao lại tránh sâu rầy, côn trùng tấn công.

Trong cái nắng gay gắt nhưng bước vào vườn mít của ông, chúng tôi có cảm giác mát lạnh, không khí ẩm bởi cỏ xanh um. Ông Ngài không làm sạch cỏ mà chỉ phát khi chúng lên nhiều, rồi để tự hoại thành phân xanh, đồng thời giữ ẩm đất. Ông bón phân chuồng như phân bò ủ hoai, phân dê là chủ yếu, cộng thêm một ít phân hóa học.

Ông Cao Cự Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An cho biết: “So với các loại cây ở địa phương như tiêu, điều, cao su thì mô hình trồng mít Thái xen bưởi da xanh kết hợp nuôi dê rất phù hợp với quy mô cải tạo vườn tạp nhỏ tăng thu nhập. Thanh An có tổ hợp tác trồng cây ăn trái phát triển với nhiều mô hình. Mô hình trồng mít Thái siêu sớm này bước đầu cho hiệu quả, giá cao, thu lợi cao trên cùng đơn vị diện tích. Sắp tới, một số hộ sẽ mở rộng diện tích, trong đó có hộ anh Ngài để tổ hợp tác trồng cây ăn trái phát triển hơn”.

Ở Thanh An có 3 hộ trồng mít Thái siêu sớm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công như hộ ông Ngài. Điều đó cho thấy, kỹ thuật chăm sóc mít không hề đơn giản. Hiện mô hình của ông có nhiều nhà nông trong tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm để phát triển diện tích. Nếu trồng, nhà nông nên chủ động về đầu ra, phát triển cây một cách khoa học, tránh ồ ạt, chú trọng kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao sản lượng, tăng cường liên kết khâu sản xuất với tiêu thụ, tránh bị động đầu ra.

Thanh Mai

  • Từ khóa
44103

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu