Thứ 6, 26/04/2024 17:45:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:45, 21/04/2016 GMT+7

Kỳ thi THPT quốc gia: Kinh nghiệm làm tốt bài văn nghị luận xã hội

Thứ 5, 21/04/2016 | 08:45:00 235 lượt xem

BP - Từ năm 2015, trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia chia làm 2 phần đọc - hiểu và làm văn. Phần làm văn gồm 2 câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Câu hỏi nghị luận xã hội chiếm 3/10 điểm toàn bài thi. Học sinh tỏ ra rất thích thú với dạng đề thi này. Bởi đề thi thường hướng tới những vấn đề mang tính thời sự đang thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Đó có thể là nghị luận về một tư tưởng đạo lý hoặc nghị luận về một hiện tượng đời sống. Hơn nữa, câu hỏi này còn là “mảnh đất” để học sinh bộc lộ tình cảm, cảm xúc, những bình luận trực tiếp khác với kiểu bài nghị luận văn học. Học sinh thích nghị luận xã hội còn ở chỗ các em không phải học nội dung tác phẩm như nghị luận văn học. Tuy nhiên, để lấy điểm cao trong phần nghị luận xã hội cũng không phải dễ. Cái khó của kiểu đề này là làm thế nào để giải quyết câu hỏi chủ động về kiến thức và thời gian... luôn là sự quan tâm của các em. Ở đây, tôi xin trình bày một số kinh nghiệm làm tốt kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý - dạng đề phổ biến trong các kỳ thi hiện nay.

Về dung lượng bài làm: câu nghị luận thường yêu cầu trình bày khoảng 600 từ. Nếu không hạn định về số từ, học sinh cũng chỉ nên làm trong khoảng dung lượng trên, bởi thời gian không cho phép lan man. Các em nên dành từ 50 đến 60 phút cho câu này.

Về cấu trúc bài làm: mỗi bài văn nghị luận bao giờ cũng chia làm ba phần: Mở bài, thân bài, kết luận. Trọng tâm ở phần thân bài bao gồm các thao tác: Giải thích - phân tích, chứng minh - bình luận mở rộng vấn đề. Các em thường “rối” ở thao tác phân tích, chứng minh (lập luận, lý lẽ). Không có luận điểm rõ ràng, trình bày luẩn quẩn, lặp ý chính là những lỗi cơ bản nhất của nhiều bài làm bị điểm kém. Tìm ra luận điểm rõ ràng giúp bài viết mạch lạc. Muốn tìm luận điểm phải đọc kỹ đề bài, mỗi phân đoạn của đề bài sẽ là những gợi ý cho luận điểm. Ví dụ: Trong bài hát “Tâm hồn của đá”, cố nhạc sĩ Trần Lập đã viết: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá...”. Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên đó. Luận điểm chính của đề sẽ là các vế: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu; sống chỉ biết thân mình; tâm hồn luôn luôn băng giá; đừng hóa thân thành đá”.

 Nếu đề bài ngắn gọn không phân vế, học sinh phải chia tách, diễn giải đề bài thành các luận điểm nhỏ để tránh tình trạng bài làm “chưa đến đầu đã qua đuôi”. Ví dụ: Trình bày suy nghĩ của bạn về câu thơ của Tố Hữu: “Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?”. Cách phân tách luận điểm: lý tưởng đúng đắn; tâm hồn lành mạnh; trí tuệ sáng suốt; hành động tích cực.

Trong thân bài còn phần quan trọng là kết hợp lý lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Nhiều em thường sa vào dẫn chứng quá nhiều và dài dòng hoặc dẫn chứng thiếu tiêu biểu. Kinh nghiệm cho thấy, nếu các em đưa những sự kiện/nhân vật tiêu biểu, sức thuyết phục sẽ cao. Mỗi bài làm chỉ nên dẫn 2 đến 3 dẫn chứng và tập trung ở phần thân bài. Nên phân tích một vài khía cạnh của dẫn chứng để chứng tỏ mình hiểu sâu vấn đề. Ví dụ: Về lý tưởng sống, dẫn chứng sự ra đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Bến Nhà Rồng. Về nghị lực sống vượt lên số phận có thể dẫn chứng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người viết chữ bằng chân...

Phần bàn luận mở rộng vấn đề là để các em thể hiện quan điểm cá nhân, năng lực tư duy sâu sắc. Đáng lưu ý nhất là tư duy phản biện, lật ngược vấn đề. Các em có thể tự đặt ra câu hỏi và trả lời: Vấn đề đặt ra có đúng trong mọi hoàn cảnh không, hay chỉ một phần? Trường hợp nào ngoại lệ? Từ đó để thấy sự đa dạng, phong phú của đề thi, của cuộc sống. Ví dụ: “Gia đình là nơi duy nhất đem đến sự bình an và hạnh phúc cho con người”. Các em bình luận theo hướng: Gia đình là cực kỳ quan trọng đối với mỗi người, nơi chúng ta cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng nói là “duy nhất” thì có phần tuyệt đối hóa. Bởi có nhiều người tìm được hạnh phúc từ sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô. Nhiều trẻ em lang thang vẫn tìm được hạnh phúc không phải từ trong gia đình mình... Nhận định này chủ yếu mong muốn chúng ta luôn gìn giữ tình yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ của các thành viên trong gia đình.

Ngoài những yêu cầu trên, để đạt điểm cao trong bài làm văn nghị luận nói chung, các em còn phải chú ý cách trình bày sạch đẹp, diễn đạt rõ ràng và có những câu chuyển đoạn phù hợp để tạo ra sự liên kết và mềm mại cho bài làm.

Th.S Vũ Văn Tuấn
 (Trường THPT Đắk Ơ)

  • Từ khóa
85861

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu