Thứ 7, 27/04/2024 01:32:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 18:39, 30/11/2016 GMT+7

Khó chồng khó ở Trường TH-THCS Kim Đồng

Thế Tường
Thứ 4, 30/11/2016 | 18:39:00 1,788 lượt xem
BP - “Xã Thanh Lương (Bình Long) hiện đã hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Riêng tiêu chí trường học chưa hoàn thành do những hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dạy và học ở Trường TH-THCS Kim Đồng. Đây là bài toán khó, ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu xây dựng NTM và sự phát triển bền vững của địa bàn xã” - Chủ tịch UBND xã Võ Văn Quốc cho biết.

Cổng trường được Hội Liên hiệp thanh niên thị xã Bình Long và nhóm tình nguyện Người Việt trẻ (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ xây dựngCổng trường được Hội Liên hiệp thanh niên thị xã Bình Long và nhóm tình nguyện Người Việt trẻ (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ xây dựng

Khó khăn chồng chất

Tiền thân là Trường tiểu học Thanh Lương B, được thành lập để con em và người dân ở 2 ấp Sóc Giếng và Sóc Phố Lố xóa mù chữ; tháng 10-2007, Trường tiểu học Kim Đồng được thành lập và năm 2009, trường bổ sung hệ THCS nên có tên TH-THCS Kim Đồng. Hiện trường đào tạo 9 lớp (mỗi lớp 1 khối) với 126 học sinh, trong đó có 123 em người S’tiêng. Từ trung tâm xã, tôi phải vượt quãng đường dài hơn 10km dưới làn bụi đỏ để đến trường. Trên tuyến đường, hàng loạt ổ gà hiện ra như thách thức người cầm lái. Nhiều đoạn dày đặc những vũng nước đục ngàu còn đọng lại sau cơn mưa, người dân sống hai bên phải rải đá chống trơn trượt.

Thầy Bạch Văn Nhân, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Chất lượng đầu vào của trường luôn ở mức thấp do số học sinh dân tộc thiểu số không biết nói tiếng Kinh nhiều. Các em biết cũng không dùng tiếng Kinh trong sinh hoạt do gia đình quen sử dụng tiếng S’tiêng. Các em cũng không có ý thức tự học ở nhà, thường xuyên theo bạn bè đi chơi, trong khi gia đình đều thuộc diện khó khăn, phải lo mưu sinh nên không quan tâm theo dõi được quá trình học tập của con. Đặc biệt vào khoảng tháng 3, nhiều học sinh lớp 8, 9 phải bỏ học để cùng gia đình đi thu hoạch mùa vụ khiến quá trình học tập của các em đứt quãng. Vì vậy, việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 1997-2002, trường được Sở GD-ĐT và Quân khu 7 hỗ trợ xây dựng 9 phòng học cấp 4. Trường dành 5 phòng dạy học, còn lại là khu hiệu bộ. Năm học 2015-2016, trường được UBND tỉnh hỗ trợ 1,8 tỷ đồng xây hàng rào, sơn sửa phòng, đào giếng nước... Do đời sống người dân khó khăn nên những năm qua, trường không thể vận động được nguồn xã hội hóa nên ngoài 5 phòng học, trường không có hệ thống phòng chức năng. Để học sinh không bị chậm chương trình do thiếu lớp, trường đã chia lịch dạy thành 2 ca theo phương thức, sáng tiểu học, chiều THCS. Cô giáo dạy môn Vật lý Lê Thị Tân cho hay: Các thiết bị dạy học của trường hiện không đáp ứng nhu cầu, nhất là dụng cụ thực hành môn Vật lý. Nhiều khi tôi phải tìm dụng cụ thay thế để đảm bảo chất lượng bài giảng. Những bài giảng không thể tìm dụng cụ thay thế như đo cường độ dòng điện, tôi phải dạy “chay” và chỉ có thể cho các em xem hình ảnh ampe kế.

Từ những khó khăn, thiếu thốn đó đã khiến 2 năm gần đây, trường không có học sinh giỏi, tỷ lệ lên lớp thấp. Năm học 2015-2016, 50% học sinh lớp 5 phải ở lại lớp. Trung bình mỗi năm học từ 7-10% học sinh bỏ học, chủ yếu ở khối THCS. Cá biệt như năm học 2007-2008, khối lớp 1 có 28 học sinh nhập học, đến năm lớp 9, sĩ số chỉ còn 12.

Giáo viên nản lòng

Hiện 2 trường tiểu học Thanh Lương A và Nguyễn Bá Ngọc đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Xã đang đề nghị xét đạt chuẩn 2 trường tiểu học Thanh Lương B và THCS Thanh Lương. Dự kiến tháng 12, Trường mầm non Thanh Lương sẽ khởi công xây dựng với vốn đầu tư 20 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu học của 300 cháu tuổi mầm, lá. Trường TH-THCS Kim Đồng không thể đạt chuẩn trong thời gian gần nên xã kiến nghị UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, đánh giá linh động tiêu chí trường học để xã hoàn thành chương trình NTM trong năm 2016.

Ông Võ Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương

2 năm gần đây, trường được đầu tư 150-180 triệu đồng hoạt động phí, tuy nhiên so với các trường khác trong xã, đây vẫn là mức thấp. Ngoài lương, giáo viên không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp hay bồi dưỡng nào. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai mỗi giáo viên khi họ nhận chưa tới 10 ngàn đồng/tiết dạy. Cô Tân cho hay: Nhà tôi ở chợ Thanh Lương, cách trường gần 10km. Đường đến trường phải đi vòng, mưa lầy, nắng bụi rất vất vả. Có ngày mưa ngập đến nửa bánh xe khiến tôi phải mất hơn 1 giờ mới về đến nhà. Mức lương không quá 3 triệu đồng/tháng không đủ để tôi mua xăng và bảo dưỡng xe.

Cô Tân cho biết thêm: Phần lớn học sinh rất ngoan, nhưng các em có nền tảng kiến thức yếu, đọc viết chưa lưu loát, phát âm không chuẩn, tiếp thu chậm. Một số em học tốt nhưng hay xao lãng hoặc trốn tiết đi làm thuê kiếm tiền cho gia đình. Giáo viên phải bỏ nhiều thời gian để giúp các em hiểu bài làm ảnh hưởng đến tiến độ giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều em không có ý thức làm bài tập về nhà và học bài cũ nên giáo viên càng thêm chán nản, mệt mỏi.

Mặt khác, trường đang thiếu hụt nhân sự vì chỉ có 14 giáo viên đứng lớp. Trong đó, giáo viên khối THCS gặp khó khăn nhất vì họ dạy theo môn nên thường phải dạy bù để kịp tiến độ chương trình học mỗi khi nghỉ phép. Thầy Nhân thừa nhận: “Nhiều giáo viên rất yêu nghề, nhưng họ cũng không yên tâm công tác vì phải làm việc trong điều kiện quá khó khăn”. Theo lộ trình của xã, Trường TH-THCS Kim Đồng sẽ đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020, nhưng trước mắt, ngành chức năng và chính quyền sở tại cần tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng dạy và học. Có như vậy, giáo viên mới yên tâm với nghề, tích cực cải thiện giờ giảng, góp phần nâng cao trình độ dân trí tại địa bàn.

  • Từ khóa
86407

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu