Thứ 6, 26/04/2024 19:00:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:20, 28/12/2016 GMT+7

Huyện Hoàng Sa - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

Thứ 4, 28/12/2016 | 14:20:00 1,159 lượt xem

BP - Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng. Huyện được thành lập ngày 9-12-1982, với diện tích 305km2, địa giới bao gồm toàn bộ các đảo trong quần đảo Hoàng Sa và các đá san hô trong vùng biển này. Trụ sở của UBND huyện Hoàng Sa hiện đóng tại số 132 đường Yên Bái, thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm là ông Võ Công Chánh, được UBND thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm ngày 5-5-2014. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ sáp nhập phường Thọ Quang và Mân Thái (đều thuộc quận Sơn Trà) vào huyện đảo Hoàng Sa thành 2 xã có tên tương ứng.

Hoàng Sa là một trong 2 huyện đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử, quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”; tên quốc tế thường được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000km2. Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An là 135 hải lý, đến huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) là 123 hải lý, đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tổng diện tích phần nổi của quần đảo Hoàng Sa khoảng 10km2, đảo lớn nhất là Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5km2. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, cây cối xanh tốt, vô số chim muông và đặc biệt là có nhiều rùa biển sinh sống. Hoàng Sa nằm trên đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Vùng biển này có tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, quan trọng hơn đây là vị trí quân sự chiến lược, khống chế đường giao thông trên biển và trên không trong khu vực bắc biển Đông.

Trung Quốc vừa ngang nhiên mở đường bay dân sự đến Phú Lâm, huyện đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc Trung Quốc khai trương đường bay hàng không dân dụng ra Phú Lâm là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Chúng ta có đủ chứng cứ pháp lý lịch sử để khẳng định Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Quần đảo Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, bất cứ hành động chiếm đóng bằng vũ lực của nước ngoài đều vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hiệp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Đà Nẵng vinh dự được Trung ương giao phó quản lý huyện đảo Hoàng Sa, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Từ trước đến nay, chính quyền Đà Nẵng đã làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung, trong đó có Hoàng Sa bằng những việc làm cụ thể như sưu tầm hiện vật, bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, ra mắt chính quyền huyện, các hoạt động triển lãm, tuyên truyền trong và ngoài nước, đấu tranh ngoại giao... Nhưng từ năm 1974 đến nay, quần đảo Hoàng Sa vẫn bị Trung Quốc cưỡng chiếm bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý. Điều đó cho thấy, trách nhiệm đòi lại chủ quyền đặt ra là rất lớn đối với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Theo luật pháp và công ước quốc tế, nếu liên tiếp trong vòng 50 năm, quốc gia không lên tiếng, không tuyên bố, không có động thái xác lập chủ quyền đối với vùng đất bị nước khác chiếm đóng, thì vùng đất đó sẽ không được công nhận. Vì vậy, để duy trì các hoạt động đấu tranh, khẳng định chủ quyền biển đảo đối với Hoàng Sa thì việc lấy một phần đất trong lục địa, ghép với quần đảo Hoàng Sa để đơn vị hành chính này có đất, có dân là phù hợp với luật pháp hiện hành. Với việc hình thành cơ quan hành chính huyện đảo trên đất liền sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa trong tương lai. Điều đó cũng thể hiện rõ quyết tâm của Nhà nước ta trong việc theo đuổi mục tiêu khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Hai phường Thọ Quang, Mân Thái nằm ven biển, có ngư dân sống bằng nghề chài lưới, đi biển, đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Tại phường còn có cảng biển, bến cá, có hải quân, bộ đội biên phòng... Tất cả điểm này hội đủ điều kiện để huyện đảo Hoàng Sa cũng có đất liền, gắn với quần đảo ngoài biển khơi.(*)

Hoàng Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng chưa về với Tổ quốc. Nhưng ở đó đã ngàn đời in dấu bao người con nước Việt. Đúng như Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết: “Ngã vào biển những chiến binh/Sóng vun thành mộ lặng im ngàn đời/Hoàng Sa ơi, Trường Sa ơi/Trong từng tấc biển vọng lời nước non”.

Đức Hồng
(*) Bài viết sử dụng tư liệu hoangsa.danang.gov.vn

  • Từ khóa
111269

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu