Thứ 7, 27/04/2024 08:18:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:50, 08/12/2016 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2016-2021

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hàng đầu

Thứ 5, 08/12/2016 | 08:50:00 3,873 lượt xem

>> Hiệu quả mô hình “Hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ” ở Thọ Sơn
>> 9 kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2011-2016 của Hội LHPN tỉnh

 

(Trả lời phỏng vấn của chị Nguyễn Thị Xuân Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh)

BP - Thưa chị, nhiệm kỳ vừa qua các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác và phong trào hội. Ở góc độ người đứng đầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chị tâm đắc nhất là hoạt động nào của hội?

Nhiệm kỳ 2011-2016 có thể xem là một nhiệm kỳ khá thành công của công tác hội và phong trào phụ nữ toàn tỉnh. Phong trào thi đua và các cuộc vận động của hội được triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp phụ nữ. Từ thực tế phong trào cho thấy, sự tham gia của phụ nữ ở khắp các lĩnh vực, nhất là phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, sản xuất - kinh doanh, y tế, giáo dục, gia đình, chăm lo an sinh xã hội. Các hoạt động hội luôn có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế địa phương, tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nhất là cấp cơ sở.

Chủ tịch Hội phụ nữ Bù Đăng Nguyễn Thị Hoa thăm hỏi hoàn cảnh chị Nông Thị Quy tại xã Bình MinhChủ tịch Hội phụ nữ Bù Đăng Nguyễn Thị Hoa thăm hỏi hoàn cảnh chị Nông Thị Quy tại xã Bình Minh

Các cấp hội luôn phát huy vai trò chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp, cách làm phù hợp triển khai trong hệ thống hội; nỗ lực khai thác các nguồn lực hỗ trợ cho phong trào. Tính liên hiệp của hội tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của nữ trí thức, doanh nhân, công nhân lao động, thanh niên. Công tác chăm lo cho tổ chức và cán bộ của các cấp hội được quan tâm, nhất là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực; chế độ, chính sách dành cho cán bộ hội được đảm bảo. Cán bộ hội ngày càng trẻ hóa, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Đặc biệt, cuộc vận động “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” được hội quan tâm hàng đầu. Thông qua hoạt động này, hằng năm, có 91,8% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hội giúp bằng nhiều hình thức phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong 5 năm qua, có 4.591 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được hội giúp thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 9,4% (năm 2010) xuống còn 2,29% (năm 2015). Từ đó thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với một địa bàn có 260,4km đường biên giới, phụ nữ trong tỉnh đã thể hiện vai trò, trách nhiệm như thế nào trong việc tham gia bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác?

Tỉnh hội đã chỉ đạo cấp huyện hội và cơ sở phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ khu vực biên giới chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giữ gìn biên giới quốc gia. Thành lập các mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như “Điểm sáng biên giới”, “Phụ nữ tham gia giữ gìn an ninh biên giới”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ cột mốc đường biên”... nhằm kịp thời thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới cho quần chúng. Tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ nghèo. Động viên phụ nữ tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; phát triển kinh tế, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước ở khu vực giáp biên.

Trong những hạn chế, tồn tại của nhiệm kỳ qua, theo chị những vấn đề nào cần phải khắc phục ngay trong nhiệm kỳ tới và hướng khắc phục thế nào?

Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiệm kỳ qua vẫn còn những mặt hạn chế. Đó là tỷ lệ thu hút phụ nữ vào hội chưa đáp ứng được yêu cầu của việc vận động quần chúng; tính tích cực của một bộ phận hội viên phụ nữ còn hạn chế, vẫn còn tâm lý an phận, thiếu tự tin và chưa quan tâm hoạt động xã hội. Trong thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động một số nơi còn nặng hình thức, thiếu sáng tạo, dàn trải, thiếu chiều sâu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các đối tượng phụ nữ. Cán bộ hội một số nơi còn hạn chế về trình độ và năng lực tổ chức thực hiện phong trào, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; kỹ năng vận động quần chúng chưa đáp ứng yêu cầu. Hội cũng còn hạn chế trong việc tham gia cùng các ngành, các cấp giải quyết những vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gái, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế chỉ mới tập trung giảm nghèo, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực các đối tượng phụ nữ có thu nhập trung bình vươn lên khá, giàu; kết quả giúp phụ nữ giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Công nhân đang phân loại điều tại Công ty TNHH Mỹ Lệ - Ảnh: Tuyết lyCông nhân đang phân loại điều tại Công ty TNHH Mỹ Lệ - Ảnh: Tuyết Ly

Trong nhiệm kỳ mới, hội đề ra các giải pháp phù hợp hơn để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội. Trong đó, cần phải quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức hội cơ sở; xây dựng và nhân rộng mô hình thu hút các nhóm phụ nữ đặc thù như nữ công nhân, nữ thanh niên, doanh nhân...; xây dựng và thực hiện chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng được đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác hội; có trình độ, có phương pháp làm việc khoa học, gần gũi cơ sở; hiểu biết sâu sắc chính sách, pháp luật, sẵn sàng có tiếng nói bản lĩnh và thuyết phục để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em.

Xin trân trọng cảm ơn sự cộng tác của chị và chúc Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp!

Thảo Nguyên (thực hiện)

  • Từ khóa
17007

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu