Thứ 7, 27/04/2024 03:02:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:02, 16/04/2014 GMT+7

Đờn ca tài tử - “Báu vật” văn hóa Nam bộ

Thứ 4, 16/04/2014 | 08:02:00 324 lượt xem

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất sẽ được tổ chức từ ngày 24 đến 29-4-2014 tại thành phố Bạc Liêu. Đây là sự kiện văn hóa lớn, thể hiện niềm vui mừng và tự hào khi nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo kết quả thống kê năm 2011, cả nước có gần 30 ngàn người đang thực hành nghệ thuật đờn ca tài tử ở 21 tỉnh, thành miền Nam, trong đó có tỉnh Bình Phước (xem bài “Về Bình Phước nghe đờn ca tài tử”, Báo Bình Phước số 2175, trang 6, thứ 4, ngày 12-2-2014).

Vài nét về đờn ca tài tử

Là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ, nhưng dòng chảy của ĐCTT lại được khơi nguồn ở miền Trung. Từ hình thức nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế, kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng ở các địa phương khác nhau của Nam bộ, ĐCTT đã được hình thành trên nền những tinh hoa nghệ thuật đa vùng miền. ĐCTT thực hành theo nhóm, câu lạc bô và gia đình. Người chơi ĐCTT say mê hát, biểu đạt tâm tư, tình cảm và đờn “ngẫu hứng”. Sắc thái, nhịp điệu luôn được biến đổi mà vẫn đảm bảo tính thống nhất khi cả nhóm hợp vào âm, nhịp chính ở giữa hay cuối câu nhạc. ĐCTT được thực hành ở lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo. Người dân miền Nam coi ĐCTT là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu và là di sản quý giá của chính họ.


Biểu diễn hoạt cảnh đờn ca tài tử - Ảnh T.L

Chủ nhân của nghệ thuật ĐCTT là những con người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau như nông dân, ngư dân, công nhân, trí thức... họ thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình. Câu lạc bộ ĐCTT Cao Văn Lầu của tỉnh Bạc Liêu vinh dự được nêu vào hồ sơ với tư cách là một trong những nhóm tiêu biểu của nghệ thuật ĐCTT.

Người chủ nhân trực tiếp nắm giữ, thực hành và có trách nhiệm lưu truyền di sản được đề cập bao gồm người dạy đờn (thầy đờn) là người có kỹ năng, kỹ thuật đờn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy chơi các nhạc cụ; người đặt lời (thầy tuồng) là người nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy ca) là người nắm giữ tri thức, thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến; người đờn (danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (danh ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời.

Đờn ca tài tử là “báu vật”

Đờn ca tài tử có 20 bản cổ, gồm 6 bài Bắc: Tây Thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ; 3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung; 4 bài Oán: Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng; 7 bài Lễ: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá.

Các nhà nghiên cứu và nhạc sĩ tên tuổi như giáo sư - nghệ sĩ Trần Quang Hải đã phân tích 6 đặc trưng nổi bật khiến ĐCTT trở thành “báu vật”. Thứ nhất, ĐCTT là một tập tục không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân Nam bộ hàng trăm năm nay,  “như cơm ăn nước uống”. Thứ hai, thật sự là loại hình giải trí của người dân Nam bộ, so với tất cả các nghệ thuật cổ truyền Việt Nam thì loại hình nghệ thuật này duy nhất không phụ thuộc vào không gian văn hóa, hoặc các không gian trình diễn. Thứ ba, đó là một lối hòa đàn mà tính ngẫu hứng được đặt lên trên hết. Điểm thứ tư rất quan trọng là ĐCTT đã đúc kết và hoàn thiện “nhạc ngữ” âm nhạc cổ truyền của người Nam bộ. Điều thứ năm là đã tạo được các “ngón đờn” để thỏa mãn hàng loạt cung bậc tình cảm. Những nghệ sĩ tài tử Nam bộ đã tìm ra được các phương pháp bấm ngón đàn, tạo ra nhiều nhạc ngữ khác nhau, khi vui, khi buồn, khi oán hận. Cuối cùng, ĐCTT vẫn đang được người dân Nam bộ yêu mến, vẫn đang được trao truyền cho nhau, như thuở nào. (*)

Đờn ca tài tử Nam bộ từ khi ra đời đến nay đã hơn 100 năm. Một thế kỷ theo cha ông đi mở cõi, nhịp bước cùng những thăng trầm của lịch sử cũng là quá trình ĐCTT được các thế hệ người Việt Nam không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc để tạo nên thành quả hôm nay, trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên bước đường phát triển, ĐCTT lại được hòa mình, thẩm thấu để hoàn thiện và bước lên một giai đoạn phát triển cao hơn mà vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa nguồn cội.      

Tại phiên họp lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku, Azerbaijan vào ngày 5-12-2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với nghệ thuật đờn ca tài tử, đến nay Việt Nam đã có 8 loại hình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên (2005), Dân ca quan họ Bắc Giang - Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009), Lễ hội Thánh Gióng (2010), Hát xoan (2011) và Lễ hội Hùng Vương (năm 2012).

      

Thế Nhàn
(*) Bài viết có tham khảo tài liệu Báo Bạc Liêu.

  • Từ khóa
90795

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu