Thứ 6, 26/04/2024 19:12:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:47, 29/10/2014 GMT+7

Đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở giáo dục đại học công lập

Thứ 4, 29/10/2014 | 09:47:00 201 lượt xem
BPO - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, cụ thể như sau:

* Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học:

Cơ sở giáo dục đại học công lập quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định và tổ chức tuyển sinh, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ); bảo đảm chuẩn đầu ra và thực hiện kiểm định chất lượng theo quy định.

Quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài trên cơ sở chương trình liên kết đã được kiểm định chất lượng. Chỉ tiêu liên kết đào tạo được tính trong tổng chỉ tiêu đào tạo do nhà trường tự xác định theo quy định. Quyết định hướng nghiên cứu; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của nhà trường để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn. Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng.

* Về tổ chức bộ máy, nhân sự:

Quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc. Quyết định cơ cấu và số lượng người làm việc; tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng sau khi được Hội đồng trường thông qua; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để bảo đảm nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

* Về tài chính:

Quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước; Quyết định mức học phí cụ thể (cao hoặc thấp hơn mức học phí bình quân) đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo, bảo đảm mức học phí bình quân trong nhà trường không vượt quá giới hạn mức học phí bình quân tối đa nêu trên; thực hiện công khai mức học phí cho người học trước khi tuyển sinh.

Quy định cụ thể và công khai những khoản thu sự nghiệp ngoài học phí theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý. Về tiền lương và thu nhập: Quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động theo quy chế chi tiêu nội bộ, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước.

Quyết định việc sử dụng nguồn thu của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo đúng cam kết. Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại được trích lập các quỹ sau: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ khen thưởng; Quỹ phúc lợi; Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các quỹ hỗ trợ sinh viên. Trong đó, trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi cho Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Mức trích lập các quỹ còn lại và mức trả thu nhập tăng thêm do Hiệu trưởng quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; Khoản thu học phí và các khoản thu sự nghiệp khác được gửi ngân hàng thương mại.

 * Chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách:

Việc thực hiện tự chủ của các trường đại học phải bảo đảm không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách. Các trường đại học tự chủ phải xây dựng, thực hiện các chính sách: Cấp học bổng đối với sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi; sinh viên là đối tượng chính sách; Miễn, giảm học phí cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách và hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước với mức học phí của nhà trường; Ưu tiên bố trí nơi ở cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách ở ký túc xá và miễn, giảm tiền thuê ký túc xá và các chính sách khác tùy theo điều kiện của từng trường. Sử dụng toàn bộ tiền lãi của khoản học phí và các khoản thu sự nghiệp khác gửi ngân hàng thương mại để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên. Nhà nước tăng mức cho vay ưu đãi đối với sinh viên của các trường được giao tự chủ.

                                                                                                KN

  • Từ khóa
84660

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu