Thứ 7, 27/04/2024 00:17:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 18:22, 03/07/2015 GMT+7

Đề thi môn Địa lý “cho không” 2 điểm

Thứ 6, 03/07/2015 | 18:22:00 487 lượt xem
BPO - Mới hết 2/3 giờ nhưng hầu hết các thí sinh tại điểm thi số 2, Trường THPT Nguyễn Du (TX. Đồng Xoài) đã rời điểm thi với tâm trạng hứng khởi, vì đề thi dễ hơn nhiều so với dự kiến. Đặc biệt, nhiều thí sinh và cả giáo viên cho rằng, đề thi môn Địa lý năm nay đã “cho không” 2 điểm.


Các thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT Đồng Xoài

Là thí sinh rời điểm thi đầu tiên, em Nông Thị Huệ, lớp 12A5, Trường cấp 2-3 Đồng Tiến (Đồng Phú) tự tin cho biết: Đề thi ngắn, dễ, thời gian dài nên em hoàn thành 100% bài khi mới hết 2/3 thời gian. Đề thi gồm 4 câu, 8 ý, trong đó câu 1, 2, 3 khá dễ, câu 4 khó hơn một chút. Đặc biệt là câu hỏi 2: “Dựa vào trang 3-4 và trang 30 của Atlat Địa lý Việt Nam, hãy: Xác định các tỉnh của nước ta có đường biên giới trên đất liền chung với Trung Quốc; Kể tên các trung tâm công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, do được sử dụng Atlat trong phòng thi, nên câu hỏi này gần như cho không 2 điểm. “Do đề dễ nên các bạn trong phòng đều làm được và nộp bài sớm” – Huệ nói.

Còn em Nguyễn Quốc Dũng, lớp 12A2, Trường cấp 2-3 Đồng Tiến lại cho rằng, các câu hỏi trong đề thi Địa lý theo 2 dạng, dạng dễ như câu 2, 3, dạng lại hơi khó như câu 4. Vì thế, theo Dũng, muốn có điểm cao ngoài ôn tập kỹ các nội dung trong sách giáo khoa, biết sử dụng Atlat, vẽ biểu đồ thì cần suy luận, liên hệ thực tế. Với dạng đề thi này, Dũng khẳng định bài thi của em không dưới điểm 6.

Cô Lê Thị Phượng, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Hùng Vương (TX. Đồng Xoài) khẳng định: Đề thi dễ hơn nhiều so với đề thi thử vừa qua và đại học các năm gần đây. Nội dung các câu hỏi nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa, giống đề minh họa của Bộ GD-ĐT đưa ra với cấu trúc 4 câu, phân bố đều 4 nội dung của chương trình: Tự nhiên, dân cư, địa lý ngành và địa lý vùng. Đề thi dành khoảng 60% câu hỏi cho thí sinh xét công nhận tốt nghiệp, còn lại là đề thi nâng cao. Vì thế, nếu học sinh có lực học trung bình mà chịu khó ôn tập, có kỹ năng đọc Atlat và vẽ biểu đồ thì kiếm điểm 5, 6 dễ dàng. Còn với học sinh thi với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học, cao đẳng thì kiếm điểm 8, 9 dư sức.

Cũng theo cô Lê Thị Phượng, trong câu 4, ý 2: “Chứng minh rằng nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển. Giải thích tại sao việc khai thác tài nguyên biển - đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và phát triển đất nước?”, nội dung này cũng đã được dự đoán và ôn tập nhiều. Vì thế, các câu hỏi nâng cao không quá khó đối với các thí sinh.


Các thí sinh rời điểm thi Trường THPT Nguyễn Du 

Theo ghi nhận của phóng viên tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du, phần lớn thí sinh đến từ Trường cấp 2-3 Đồng Tiến đăng ký thi môn Địa lý - môn tự chọn để xét tốt nghiệp, vì thế các em chỉ hoàn thành khoảng hơn 50% bài thi là đã nộp bài.

Buổi chiều các thí sinh dự thi môn Hóa với hình thức trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Tương tự như môn Vậy lý chiều qua, môn Hóa có đề thi khá dài gồm 6 trang với 50 câu. Em Trần Thắng Quang Đạt, lớp 12A6, Trường THPT Đồng Xoài cho biết: Đề thi có 50% câu dễ và 50% câu nâng cao. Em làm được 30 câu khoảng 6 điểm, còn lại là câu khó nên đánh dấu mang tính “hên sui”.

Còn em Thạch Thị Mỹ Dung, lớp 12D, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho rằng, đề ra tương đương với đề thi thử, không quá khó, quá dài nhưng để đạt được điểm cao thì chỉ những học sinh giỏi mới làm được. Dung chưa kịp đếm làm được bao nhiêu câu, nhưng đạt điểm 5 là có thể.

Nhìn chung ngày thi thứ ba tại cụm thi tỉnh diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Buổi sáng, môn Địa lý có 1.510 thí sinh dự thi trong tổng số 1.530 em đăng ký, vắng 20 thí sinh không lý do. Buổi chiều môn Hóa có 836 thí sinh dự thi trong tổng số 842 thí sinh đăng ký, vắng 6 không lý do.  

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
85213

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu