Thứ 7, 27/04/2024 01:19:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:59, 10/12/2017 GMT+7

Chuyện của người già

Chủ nhật, 10/12/2017 | 15:59:00 107 lượt xem

BP - Xóm có nhiều gia đình sinh sống ba, bốn thế hệ nên tôi dặn lòng phải chú ý quan sát, cảm nhận và học hỏi để ít nữa bà nội, bà ngoại vào ở cùng sẽ hòa hợp, hạnh phúc. Bẵng đi một thời gian, các mẹ đã ở cùng 5 tháng, cuộc sống có chút thay đổi nhưng anh và tôi đều vui vẻ, hài lòng. Đặc biệt, hai bà rất hợp ý nhau.

Thế nhưng những mâu thuẫn nhỏ bắt đầu xuất hiện, chính từ sự “ăn khớp” của các mẹ trước lối sống của lớp trẻ. Vợ chồng tôi đều cảm thấy mỗi sáng cuối tuần khó thức dậy lúc 5 giờ, muốn thi thoảng cả nhà đi ăn tiệm, thèm được ra chợ mua củ su hào, bắp cải thay cho rau lang, mồng tơi nhà trồng. Chồng tôi nói, những lúc có việc riêng phải giải quyết thiệt khó nói cho các mẹ biết rõ mình đi đâu, với ai, làm gì... Sợ các mẹ biết lại lo lắng. Riết như vậy, chúng tôi thành những đứa trẻ chưa chịu lớn.

Bóng chiều trải dài phía rừng cao su, tôi không biết mình phải làm sao cho các mẹ không phật lòng. Thấy cụ già gần 90 tuổi ở nhà đối diện đi loanh quanh trong vườn, tôi bèn chạy sang. Vừa đi vừa nghĩ gia đình cụ có 4 thế hệ, cuộc sống lại rất bình lặng... Tuy nhiên, đã chiều muộn mà trong nhà cụ vắng vẻ, bếp núc nguội ngắt. Như hiểu tâm lý tôi, cụ nói: “Vợ chồng bác Hai đi công chuyện gì không rõ mấy bữa mới về. Cháu dâu và cháu trai làm công ty về muộn. Còn 3 đứa chắt chơi game trong phòng”. Tôi ở lại chơi với cụ thêm lúc nữa mới về, mang thêm mít đi biếu người cao tuổi trong xóm.

Đến nhà bà Hiệp, dáng người bà gầy đét đang tưới bầu. Bà vẫy tay nói tôi ra vườn. Tôi bảo lát trời mưa to, bà tưới rau làm gì. Bà trả lời: “Không chăm rau thì không biết làm gì. Cũng có thể trời không mưa”. Sau khi giúp bà vun mấy gốc bầu, tôi lại đạp xe ghé thăm bà Minh. Phía giếng có ánh đèn nêon, tôi men theo bờ rào tới chào bà. Bà Minh ngó qua mấy đống quần áo cười nói: “Hỷ à, vô đi. Bà phải tranh thủ giặt để trưa mai có quần áo khô. Sợ trời mưa dai tụi nó không có quần áo mặc đi làm”. Thấy tôi tròn mắt, bà nói như giải thích “Giặt đồ thuê 11 năm bà đã quen. Tuổi già phải làm việc mới vui, không làm bệnh ra, con à”.

Qua câu nói của bà cùng lối làm việc mỗi người già trong xóm đang chọn, tôi hiểu ra rằng: “Chỉ có lao động thì thân thể, tinh thần mới phấn khởi và khỏe khoắn”. Sở dĩ các mẹ tôi “khó” vì hằng ngày phải sống trong 4 bức tường, làm quen mọi thứ đồ điện hiện đại và một vườn rau rất nhỏ ngoài vườn không đủ cho các mẹ có việc để vui vầy. Gần năm nay, chúng tôi chưa từng nghiêm túc suy nghĩ về việc cần tạo cho các mẹ một môi trường sống, một công việc “mở” như chúng tôi, các con tôi đều đang được hưởng.

Trung Nhân

  • Từ khóa
93390

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu