Thứ 7, 27/04/2024 06:50:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:23, 31/03/2013 GMT+7

Căng mình chống hạn

Chủ nhật, 31/03/2013 | 09:23:00 177 lượt xem

Từ đầu tháng 12-2012 đến nay, nhiều khu vực như Bù Đăng, Đồng Phú, Bù Gia Mập và thị xã Đồng Xoài... đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài. Không chỉ cây trồng thiếu nước tưới đang từng ngày khô héo mà con người cũng đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.

HÀNG CHỤC NGÀN HÉCTA CÂY TRỒNG THIẾU NƯỚC

Mấy ngày gần đây đã có vài cơn giông xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh nhưng sự gay gắt của mùa khô hạn vẫn không giảm. Nhiều diện tích cây trồng do phải hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt kéo dài từ đầu tháng 12-2012 đã báo hiệu năng suất thấp. Cây tiêu vốn mang nhiều hy vọng cho người nông dân khi giá liên tục tăng cũng là loại cây chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi đợt nắng hạn này. Nắng gắt, thiếu nước tưới đã khiến nhiều vườn tiêu bị táp lá, hiện tượng dây tiêu héo chết, rụng trái hàng loạt xảy ra phổ biến.

khô hạn

Bà Châu chua xót nhìn vườn tiêu của gia đình đang chết dần vì thiếu nước

Dẫn chúng tôi ra vườn tiêu sau nhà, bà Trương Thị Châu, ngụ thôn 4, xã Long Bình (Bù Gia Mập) nói: “Tình hình này nếu đến tháng 5 không có mưa thì vườn tiêu của gia đình tôi chắc chết hết. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào cây tiêu, nhìn trời lại càng thêm rầu”. Nhà bà Châu trồng 1.000 nọc tiêu hiện hơn một nửa đã chết, không có khả năng phục hồi. Một nửa thì lay lắt héo úa. Ao nước dùng để tưới tiêu hiện chỉ còn trơ đáy.

Tương tự, ông Lê Danh Quyền cùng ngụ thôn 4 cũng bất lực nhìn nắng hạn làm mất  cả vụ mùa cà phê. Để đầu tư vào 2 ha cà phê, ông đã bỏ ra không ít vốn. Những tưởng như bao vụ mùa trước ông sẽ thu lợi, nhưng đúng vào thời kỳ cây ra bông thì 2 ha cà phê chết dần, báo hiệu thiệt hại kinh tế nặng nề. Tiền vay ngân hàng 50 triệu đồng trông chờ vào vụ cà phê xem như không còn hy vọng.

Tình cảnh trên không hiếm gặp trong thời điểm hàng ngàn hộ dân trong tỉnh phải đối mặt với nắng hạn. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán gây ra làm giảm năng suất là 10.644 ha, gồm 7.224 ha lúa, rau màu và cây lâu năm; 2.920 ha cây công nghiệp dài ngày. Ước tổng thiệt hại ban đầu do hạn hán gây ra trên địa bàn trong mùa khô đến thời điểm này khoảng 75 tỷ đồng. Nông dân trong tỉnh như đang ngồi trên đống lửa. Dù đã thực hiện hết các phương pháp như tưới cách khoảng, tận dụng nguồn nước suối, đào ao hay giếng sâu thêm vẫn chịu thua cái nắng như đổ lửa. Nhiều nhà nông than rằng, chưa có vụ sản xuất nào lại bị thiên tai làm thiệt hại như hiện nay. Khốn đốn hơn bởi thiên tai rơi vào thời kỳ quyết định năng suất cây trồng, làm dập tắt bao hy vọng của người dân.

NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT KHAN HIẾM

Không chỉ thiếu nước tưới, người dân còn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số hộ dân thiếu nước sinh hoạt toàn tỉnh là 10.585 hộ (chiếm khoảng 9,3%). Một số nơi người dân phải mua nước vận chuyển bằng xe bồn với giá 25-60 ngàn đồng/m3. Trong khi đó, một số hộ dân do điều kiện kinh tế khó khăn, không thể mua nước đã phải mất nhiều thời gian và sức lực để lấy nước sinh hoạt ở những nơi mà nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Ông Vũ Hồng Liêm, Chánh văn phòng, thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đa số xảy ra ở những nơi không có hồ chứa; mực nước ngầm xuống thấp, các giếng đào không thể nạo vét do quá sâu hoặc gặp phải tầng đá bàn khó có thể đào tiếp được. Mặt khác, hiện nay công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn rất ít, mới chỉ có 14 công trình.  Đặc biệt là trong mùa khô công trình cấp nước sạch tập trung nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả.

Từ nhiều tháng nay đã có hàng ngàn người dân phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đặc biệt là một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do tập quán sinh hoạt dựa vào nguồn nước tự nhiên. Vì vậy, khi dòng ở các sông suối, ao bị cạn kiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến nước sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đa số hồ chứa thủy lợi có mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm. Do vậy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở một số nơi không đảm bảo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 58 công trình thủy lợi với năng lực tưới thiết kế chỉ đạt 11% nhu cầu tưới tiêu của các loại cây trồng.

Ông Lê Danh Biên, Phó chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết: “Các thôn 3, 4, 7 hiện đang thiếu nước trầm trọng. Nếu vài tháng nữa không mưa thì các thôn này sẽ không còn nước sinh hoạt. Nước tưới cũng chỉ đủ để cây sống chứ không đủ cho cây tạo chất lượng trái. Hiện xã chưa có cách khắc phục mà phải kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn trong nhân dân”.

NHANH CHÓNG CỨU HẠN

Trước tình hình trên, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và các đơn vị quản lý thủy nông trong tỉnh triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống hạn. Với những khu vực có công trình thủy lợi do đơn vị thủy nông quản lý, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu kiểm tra toàn bộ số diện tích tưới của từng công trình đang phục vụ để có kế hoạch tưới cụ thể, phù hợp với từng công trình; tổ chức nạo vét thông thoáng kênh mương đảm bảo cung cấp nước tưới cho các diện tích đã hợp đồng; tăng cường kiểm tra các khu tưới để điều tiết sắp xếp lịch tưới cho phù hợp; nhắc nhở nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm tránh lãng phí; thường xuyên theo dõi mực nước trong các hồ để có kế hoạch điều tiết vận hành cụ thể, tránh tình trạng nước trong hồ bị cạn kiệt, nhất là các hồ đang nuôi trồng thủy sản.

Ở những nơi không có công trình thủy lợi, thủy điện thì các đơn vị phải tuyên truyền cho nhân dân nạo vét và đào các hố tích nước để sử dụng tưới cho cây trồng còn khả năng phát triển; đồng thời dùng các lu, bể và các dụng cụ chứa nước khác để đựng và trữ nước phục vụ sinh hoạt; tập trung chăm sóc diện tích cây ngắn ngày và có biện pháp chống hạn cho các loại cây trồng lâu năm như che tủ gốc cây, làm giàn che nắng... nhằm hạn chế nắng nóng và bốc hơi nước do hạn hán gây ra.

Hiện mực nước ở các hồ Suối Cam 1 và 2 đang xuống thấp so với nhiều năm. Để đảm bảo ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho thị xã Đồng Xoài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước, Xí nghiệp Công trình đô thị và UBND thị xã Đồng Xoài để thống nhất ưu tiên nguồn nước hồ Suối Cam 1, 2 cấp nước cho sinh hoạt. Phương án lấy nước tưới của Xí nghiệp Công trình đô thị để tưới cây xanh từ các hồ trên cần chuyển sang lấy nước trên kênh hồ Đồng Xoài. Ngoài ra, công ty phối hợp với địa phương để có kế hoạch bảo vệ nguồn nước, không cho hoạt động lấy nước trái phép ở các hồ trên. Các hồ có nhiệm vụ tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt như hồ Bù Môn, Ông Thoại (Bù Đăng); Rừng Cấm (Lộc Ninh); Xa Cát (TX. Bình Long); Long Hà (Bù Gia Mập); Bàu Úm (Hớn Quản) cần có kế hoạch ưu tiên cho nhiệm vụ này. Trong trường hợp cần thiết phải ngưng cung cấp nước tưới để phục vụ cấp nước sinh hoạt. Nếu cấp thiết, cần báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương để hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân.

Hy vọng với những biện pháp cấp bách mà các ngành, các cấp đang nỗ lực phối hợp thực hiện, nông dân sẽ kịp thời được hỗ trợ, giúp bù đắp một phần nào những tổn thất mà họ đang gặp phải do hạn hán.             

   Bảo An

NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN THÁC MƠ VẪN ĐỦ NƯỚC HOẠT ĐỘNG

Đó là khẳng định của lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Thác Mơ trao đổi với chúng tôi chiều 19-3-2013.

Ngoài việc bảo đảm tích nước trong mùa mưa vừa qua, hồ Thác Mơ có lượng nước ngầm đáng kể nên mặc dù đang vào thời điểm gay gắt của mùa khô nhưng vẫn không thiếu nước. Thời điểm 15 giờ ngày 19-3, mực nước hồ Thác Mơ đạt cao trình 212,5m (mực nước chết 198m), tương đương 845 triệu 618 ngàn mét khối nước. Điều đáng mừng là trong các ngày 17 và 18-3, khu vực thượng nguồn có mưa nên đã tăng thêm nguồn nước cho hồ. Ngày 18-3 lượng nước đổ về hồ Thác Mơ đạt 29m3/s, nâng mức nước trong hồ đạt 215m. Nhờ vậy, các hồ thủy điện hạ lưu (Cần Đơn và Srok Phu Miêng) cũng như cây trồng ven sông Bé vẫn có đủ nước hoạt động và tưới tiêu.

Từ đầu năm đến nay, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ đã sản xuất và hòa vào mạng lưới điện quốc gia được trên 106 triệu kwh điện và hiện hai tổ máy vẫn hoạt động liên tục.           

T.B

 

  • Từ khóa
36425

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu