Thứ 7, 27/04/2024 01:33:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:58, 06/05/2016 GMT+7

Bù Đốp nỗ lực chống hạn

Thứ 6, 06/05/2016 | 06:58:00 194 lượt xem
BP - Không để người nghèo phải mua nước sinh hoạt; thông kênh thủy lợi dự án thủy lợi Cần Đơn kịp thời giúp dân cứu cây trồng... Đảng bộ, chính quyền và người dân Bù Đốp đã dốc hết sức chống hạn ở đỉnh điểm của El nino lịch sử. Ghi nhận của phóng viên Báo Bình Phước những ngày trong tháng cuối cùng của mùa khô khốc liệt ở huyện nghèo biên giới Bù Đốp.

KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN THIẾU NƯỚC SINH HOẠT

Giữa không gian vắng lặng của đỉnh điểm nắng hạn, người dân đang dồn sức tìm nước cứu cây trồng. Đến tổ 3, ấp 5, xã Thanh Hòa, chúng tôi bắt gặp niềm vui như vỡ òa của cụ Đào Thị Vui (80 tuổi): “Nhờ Nhà nước đầu tư giếng khoan, con cháu nối đường ống hơn 10m nên đã kéo nước về tận nhà”.

Anh Bình (bìa phải) và người hàng xóm nối ống kéo nước thủy lợi tưới tiêu

Cụ Vui quê ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) theo các con vào lập nghiệp ở Thanh Hòa. 26 năm trên đất biên giới, lần đầu tiên cụ Vui và các con chứng kiến hạn hán khốc liệt xảy ra của mùa khô 2016. Cụ cho biết, mùa khô 2003-2004, xảy ra hạn hán nhưng giếng sâu hơn 10m của gia đình chỉ thiếu nước khoảng 1 tháng bởi có những trận mưa trái mùa liên tục xảy ra cứu hạn cho dân. Trước tết Nguyên đán Bính Thân giếng đã hết nước nên cụ Vui sống một mình hằng ngày phải nhờ con cháu chở can đi lấy nước tận sông Bé về sinh hoạt.

Giếng khoan huyện đầu tư ở tổ 3 nằm cạnh nhà văn hóa ấp, trên con đường nhựa chạy xuyên giữa ấp 5. Trưởng ấp Nguyễn Hữu Minh (70 tuổi) cho biết, ngoài cung cấp nước cho 12 hộ sinh sống ở trung tâm ấp, giếng khoan do huyện đầu tư hơn 1 tháng đi vào hoạt động còn cấp đủ nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ ở ấp 5 chở can đến lấy. Anh Phạm Đức Tôn, con rể cụ Vui xung phong quản lý vận hành máy bơm. Khi người dân lấy nước thấy bồn khô thì báo anh Tôn sẽ bật cầu dao bơm. Tiền điện do huyện hỗ trợ. Ấp 5 cũng là nơi xảy ra thiếu nước nghiêm trọng nhất của huyện Bù Đốp. Theo số liệu cập nhật của Trưởng ấp Nguyễn Hữu Minh, đến thời điểm này 100% giếng đào của người dân đã hết nước. Giếng khoan khoảng 60 cái (chủ yếu các hộ có vườn tiêu), trong đó hơn 50% giếng hết nước.

Kiến nghị của UBND huyện Bù Đốp đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát ghi nhận về xem xét đầu tư xây dựng đập nước Bù Tam ở xã Hưng Phước để giữ mạch nước ngầm và cung cấp nước cho sản xuất khoảng 300 ha lúa và trên 1.000 ha cây công nghiệp lâu năm của các xã Thiện Hưng, Hưng Phước (không được hưởng lợi từ kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn và nước sông Bé).

Ấp 5 có 91 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tổng 235 hộ toàn ấp. Đa phần hộ nghèo không có khả năng khoan giếng. Ngoài giếng khoan do huyện đầu tư ở trungt tâm ấp, tại tổ 7 cũng được đầu tư tẹc chứa 2.000 lít, nhờ giếng khoan của hộ ông Trần Văn Dinh cung cấp nước cho 15 hộ nghèo có nước sinh hoạt.

Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa Vũ Viết Duy cho biết, là xã biên giới khó khăn do đất nông nghiệp không màu mỡ nên hộ nghèo đông, để giúp dân có nước sinh hoạt, Thanh Hòa được huyện đầu tư 5 giếng khoan, 6 tẹc nước 1.000-2.000 lít (kinh phí đầu tư giếng, tẹc và chân tẹc 39 triệu đồng).

DỐC SỨC CỨU CÂY TRỒNG

Tháng 4, đỉnh điểm của mùa khô, trận mưa hiếm hoi của ngày 18-4 xảy ra ngắn ngủi càng làm thời tiết ở biên giới xã Thanh Hòa thêm ngột ngạt muốn khó thở. Cánh đồng lúa nối thị trấn Thanh Bình, xã Thanh Hòa nứt nẻ vì hoang hóa sau gần 6 tháng không có nước trời. Những con trâu của đồng bào DTTS uể oải gặm gốc rạ khô ải còn sót lại của mùa lúa năm trước.

Giữa không gian tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng máy nổ hút nước từ kênh mương thủy lợi vừa được khơi thông đất vẫn còn tươi phơi dưới cái nắng như đổ lửa của đỉnh điểm khô hạn. Cũng trên kênh mương thủy lợi đoạn có trạm cấp nước của huyện, thuộc ấp Thanh Tâm (Thanh Bình), anh Trần Văn Bình ở tổ 4, ấp Thanh Tâm và người hàng xóm vui vẻ kéo đường ống phi 60 nối với máy bơm để kéo nước (hơn 1km) tưới cho vườn tiêu. Anh Bình cho biết: Hơn 1 tháng nay, nhờ nước từ kênh thủy lợi 4 hộ chung nhau (11 triệu đồng/hộ) mua đường ống, máy bơm đã kịp cứu vườn tiêu với bình quân 600-1.000 trụ/hộ. Theo tính toán của anh Bình đầu tư theo phương thức này rẻ và bảo đảm có nước hơn là khoan giếng.

KHÔNG CÒN THIẾU NƯỚC SINH HOẠT

Bước vào mùa khô, huyện Bù Đốp có 5.656 hộ (20.896 người) thiếu nước sinh hoạt. Với chủ trương không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt và nước uống cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện Bù Đốp đã đầu tư khoan 31 giếng, nâng tổng giếng khoan tập trung lên 65 cái (34 giếng cũ) và lắp đặt 26 điểm bồn cung cấp nước sinh hoạt công cộng. Huyện vận động hộ có giếng nhiều nước chung tay giúp hộ thiếu nước theo phương thức người dân hỗ trợ nước, huyện lắp đặt bồn và chi trả tiền điện, tổng vốn đầu tư ước 1 tỷ 564 triệu đồng. Các gia đình neo đơn, người già, gia đình chính sách được lực lượng thanh niên xung kích, công an từ huyện đến xã vận chuyển can, tẹc hỗ trợ nước. Đến nay, Bù Đốp không có hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Đoàn Văn Thảo

Dự án kênh mương thủy lợi sau Cần Đơn được triển khai gần 10 năm chưa thông kênh do vướng mắc giải tỏa đền bù. Để giúp dân có nước cứu cây, huyện Bù Đốp đã quyết liệt thực hiện thông kênh dài khoảng 2km. Nhờ đó, đã giải quyết nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân của thị trấn Thanh Bình và ấp 7, 8 của xã Thanh Hòa. Kênh mương thủy lợi giúp đa phần hộ dân các ấp Thanh Trung, Thanh Thủy, Thanh Tâm và khu phố Thanh Xuân của thị trấn Thanh Bình; các ấp 7, 8 của xã Thanh Hòa có nước tưới cây. 

Những năm gần đây, mặc dù đã có khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhưng do giá hồ tiêu cao nên người dân đổ xô trồng tiêu. Để cứu cây trồng, UBND huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân, gắn kết cộng đồng, chung sức nỗ lực khắc phục bằng các giải pháp như chung vốn đầu tư máy dầu, hệ thống ống chuyển nước từ lòng hồ thủy điện Cần Đơn, kênh mương thủy lợi, nước sông Bé để cứu cây. UBND huyện phối hợp với Ban quản lý các dự án ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và Nhà máy thủy điện Cần Đơn mở cống cấp nước vận hành 43 kênh chính và 5 kênh nhánh, với lượng xả 0,5m3/s, phục vụ nước tưới tiêu và công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm thị trấn Thanh Bình. Dự kiến, cuối tháng 5-2016 sẽ đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung để khắc phục sản xuất và sinh hoạt...

Bù Đốp có 4.606 ha cây trồng thiếu nước (1.914 ha hồ tiêu), trong đó 372,78 ha thiếu nước 100% (61,13 ha hồ tiêu) và 4.231,99 ha thiếu 30-70% (1.853 ha hồ tiêu). Ước thiệt hại 315 tỷ 51 triệu đồng. Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Đoàn Văn Thảo cho biết, với phương thức vận động nhân dân lấy nước hồ, sông, kênh mương thủy lợi sẽ giảm thiểu tình trạng đua nhau khoan, đào giếng gây nguy cơ phá vỡ, cạn kiệt tài nguyên nước ngầm ở thị trấn Thanh Bình và các xã khu vực phía nam của huyện.       

Phương Hà

  • Từ khóa
40299

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu