Thứ 7, 27/04/2024 02:37:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:01, 17/09/2013 GMT+7

Những “bàn tay vàng” khơi dòng nhựa trắng

Thứ 3, 17/09/2013 | 09:01:00 190 lượt xem

Về Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay bởi màu xanh bạt ngàn của cao su và đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhiệt tình, năng động. Đặc biệt, từ việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm gần đây ở công ty xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, chấp hành tốt nội quy, kỷ luật lao động.


QUÁCH HỮU HÒA:
HỌC PHẢI ĐI ĐÔI VỚI LÀM

Trẻ, năng động, Bí thư chi đoàn Tổ 4, Nông trường 1, anh Quách Hữu Hòa là người nhiệt tình, tâm huyết với nghề cạo mủ cao su. Anh đã mang về những thành tích đáng tự hào: Giải nhì cuộc thi “Bàn tay vàng” cấp công ty và đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” toàn ngành năm 2012.

Vốn là thợ cắt tóc, khi thấy bạn bè vào làm việc trong nông trường cao su có thu nhập cao, ổn định, anh Hòa đã “đầu quân” cho nông trường từ năm 2006. “Thời gian đầu vào làm công nhân khai thác, tôi thấy mình không đủ tự tin khi được giao phần cây. Nhờ sự động viên của anh chị em trong tổ và hướng dẫn của tổ trưởng, sự nỗ lực của bản thân, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, luôn vượt sản lượng khai thác hơn 10%/năm”, anh Hòa cho biết. Là bí thư chi đoàn, anh luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào và quan tâm, chăm lo đến đời sống của anh chị em trong tổ nên được mọi người quý mến, tin cậy.

Phó giám đốc Nông trường 1 - Trần Trọng Hùng cho biết: Quách Hữu Hòa là công nhân khai thác xuất sắc, luôn đứng tốp đầu của nông trường, đã được kết nạp Đảng vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập công ty.


DANH THANH DANH:
KỸ THUẬT LÀ YẾU TỐ HÀNG ĐẦU

Là người Khơme, vào làm công nhân khai thác cao su từ năm 2000, anh Danh Thanh Danh (tổ 15, Nông trường 6) đã không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề. Nhiều năm liền anh Danh vượt sản lượng từ 10-15%. Năm 2012, anh khai thác vượt 400kg mủ so với chỉ tiêu giao, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng, đứng vào tốp đầu của nông trường. Ngoài ra, anh Danh còn phát triển kinh tế từ 1 ha cao su đang cho khai thác, thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Với sự nỗ lực trong công việc, anh Danh đã vinh dự đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” toàn ngành năm 2012 cùng nhiều giải thưởng cấp nông trường và công ty.

Bật mí về bí quyết thành công, anh Danh chia sẻ: Mình là người dân tộc thiểu số, ít hiểu biết thì càng phải học hỏi. Để hoàn thành chỉ tiêu, ngoài yếu tố chất lượng vườn cây thì tay nghề kỹ thuật giữ vai trò quan trọng. Mặt cạo phải láng, đúng độ sâu theo quy định, kết hợp cạo hết phần cây, tận thu các loại mủ.


TRẦN QUỐC TUẤN:
PHẢI CÓ DUYÊN VỚI NGHỀ

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2004, Trần Quốc Tuấn trở về địa phương. Trong gia đình có 3 chị em làm công nhân cao su nên mọi người khuyên Tuấn cùng vào làm để sớm ổn định cuộc sống. Vì vậy, Tuấn đã nỗ lực rèn luyện kỹ thuật, đồng thời có sự kèm cặp của tổ trưởng và sự giúp đỡ của đồng nghiệp nên tay nghề ngày càng vững. Không chỉ vượt sản lượng được giao hơn 10% mỗi năm, anh Tuấn còn tích cực hướng dẫn cho công nhân có tay nghề yếu cùng vươn lên.

Trên vườn cây của Tổ 2, Nông trường 1, chúng tôi gặp anh Tuấn. Nhìn cách đưa dao cạo thoăn thoắt, đường cạo vuông tiền vuông hậu... ai cũng biết đây là một tay nghề kỹ thuật thuộc loại ưu. Anh Tuấn thực hành tiết kiệm từ việc tận thu hết các loại mủ (mủ dây, mủ tạp, mủ chén...), chú ý chăm sóc tốt vườn cây, động viên công nhân cùng lên lô phối hợp với lực lượng bảo vệ của tổ, đội, nông trường, công an xã để đảm bảo an ninh trật tự vườn cây, tránh thất thoát mủ, vật tư. Anh Tuấn đã đoạt giải nhất “Bàn tay vàng” cấp công ty và danh hiệu “Bàn tay vàng” toàn ngành vào năm 2012. Anh Tuấn nói: Cái duyên với nghề đã khiến tôi có tâm huyết, gắn bó làm việc, để cùng đưa phong trào của tổ, nông trường đạt nhiều thành tích.         

Hải Châu

  • Từ khóa
36694

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu