Thứ 5, 09/05/2024 00:09:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:00, 02/11/2023 GMT+7

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh có dư giáo viên?

Vũ Thuyên (Thực hiện)
Thứ 5, 02/11/2023 | 14:00:00 3,021 lượt xem
BPO - Thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh về việc Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước tiếp nhận nhiều giáo viên về trường công tác dẫn đến dôi dư và sắp xếp giảng dạy không đúng chuyên môn cũng như không có trong chương trình theo quy định. Phóng viên (P.V) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã trao đổi với ông Đặng Hùng Sơn, Hiệu trưởng trường để làm rõ vấn đề này.

Một tiết học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước

P.V: Có thông tin, trong 3 năm kể từ khi về trường công tác, ông đã tiếp nhận 8 giáo viên về trường, trong đó có trường hợp chưa chuyển về nhưng nhà trường đã phân công nhiệm vụ? Việc tiếp nhận giáo viên về công tác có thông qua Ban Giám hiệu, cấp ủy chi bộ trường không, thưa ông?

Ông ĐẶNG HÙNG SƠN: Tôi chuyển về trường công tác đến nay là năm học thứ tư. Thông tin về việc tiếp nhận 8 giáo viên là có, cụ thể giai đoạn 2020-2023 như sau: Năm 2020, cô Thuận dạy tiếng Anh thay cô Ái chuyển công tác; cô Bắc dạy môn Lịch sử về thay cô Hồng nghỉ việc. Năm 2021, cô Thúy Hằng dạy môn Hóa học thay cô Hiếu nghỉ việc; cô Nguyệt dạy Toán về thay thầy Thuận nghỉ việc; cô Vân dạy Sinh học về thay thầy Trúc nghỉ hưu. Năm 2022, cô Hương về thay cô Dung quản lý học sinh (QLHS) nghỉ việc; cô Nhiệm dạy môn Tiếng Anh về thay cô Trâm chuyển công tác. Ngày 11-9-2023, cô Tâm có quyết định về làm giáo viên QLHS do còn vị trí việc làm theo Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 3-11-2016 của UBND tỉnh Bình Phước.

Như vậy, 7/8 giáo viên chuyển về sau khi có 7 giáo viên nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác và 1 giáo viên có vị trí việc làm là giáo viên QLHS.

Việc giáo viên chưa chuyển về đã phân công nhiệm vụ, nhà trường đã thực hiện điều chỉnh theo Quyết định số 104/QĐ-DTNT ngày 28-8-2023 phân công nhiệm vụ năm học 2023-2024 có quy định: “Tùy vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể điều chỉnh phân công nhiệm vụ cho phù hợp. Việc điều chỉnh phân công nhiệm vụ được thống nhất trong lãnh đạo nhà trường và tổ trưởng”. 

Khi có thông tin trước khi giáo viên chuyển về, hiệu trưởng đều thông qua trong cuộc họp chi ủy, chi bộ và họp hội đồng. Giáo viên chuyển về để thay thế giáo viên đã nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Giáo viên chuyển về được nhà trường phân công dạy đúng chuyên môn, trường hợp chưa đủ định mức 15 tiết/tuần thì phân công thêm việc kiêm nhiệm khác và quy đổi ra số tiết tương ứng để đảm bảo 15 tiết/tuần theo định mức của Bộ GD&ĐT.

Ông Đặng Hùng Sơn, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước

P.V: Theo quy định của trường phổ thông dân tộc nội trú, cấp THPT, mỗi giáo viên dạy 15 tiết/tuần mới đảm bảo quy định. Tuy nhiên, nhiều giáo viên, nhất là bộ môn tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại rất ít tiết, do có ít học sinh lựa chọn cũng như ít lớp. Vậy việc bố trí giáo viên đứng lớp và thực hiện các công việc kiêm nhiệm khác như thế nào để đảm bảo quy định, thưa ông?

Ông ĐẶNG HÙNG SƠN: Theo Bộ GD&ĐT, định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT 15 tiết/tuần, gồm giảng dạy và kiêm nhiệm (nếu có) được quy đổi ra số tiết tương ứng. Bộ GD&ĐT không quy định giáo viên trực tiếp giảng dạy 15 tiết/tuần mới đảm bảo quy định.

Hiện nay, trường đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với khối lớp 12 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10, 11. Việc phân công chuyên môn của trường đảm bảo định mức 15 tiết/tuần, gồm thực dạy và kiêm nhiệm được quy đổi ra số tiết tương ứng và được công khai, minh bạch; giáo viên có số tiết 14 tiết/tuần ở học kỳ 1 sẽ được điều chỉnh vào học kỳ 2 (học kỳ 1 có 1 môn học 1 tiết/tuần nhưng sang học kỳ 2 học 2 tiết/tuần).

P.V: Có ý kiến cho rằng, môn Bản sắc văn hóa không còn trong chương trình của trường dân tộc nội trú. Tuy nhiên, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh vẫn bố trí giáo viên dạy môn học này. Vậy có hay không tình trạng bố trí giáo viên dạy môn Bản sắc văn hóa để hợp thức hóa số tiết/tuần theo quy định, thưa ông?

Ông ĐẶNG HÙNG SƠN: Dạy môn Bản sắc văn hóa là nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú quy định tại Thông tư số 04/2023/BGDĐT ngày 23-2-2023 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.

P.V: Hiện nay, trường có dư biên chế giáo viên không và việc giải quyết tình trạng dư giáo viên tại trường như thế nào, thưa ông?

Ông ĐẶNG HÙNG SƠN: Nhà trường được giao 48 biên chế. Việc sắp xếp, bố trí người làm việc căn cứ theo Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 6-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 3-11-2016 của UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, cán bộ đoàn 1 người, theo Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg; ban giám hiệu 4 người, theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT; vị trí việc làm 8 người, theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT (công việc hoạt động nghề nghiệp 1, thư viện 1, thiết bị - thí nghiệm 1, công nghệ thông tin 1, kế toán 1, thủ quỹ 1, văn thư 1, giáo vụ 2); 29 định mức giáo viên theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT; vị trí việc làm theo Quyết định số 2827/QĐ-UBND, 6 giáo viên QLHS. Tổng biên chế sử dụng là 48.

Theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, trường được bố trí 2 giáo vụ nhưng thực tế chỉ bố trí 1, thiếu 1 giáo vụ. Như vậy, nhà trường đang sử dụng 48 biên chế được giao. Trường không dư biên chế giáo viên nên không có hướng giải quyết giáo viên dư.

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước hiện có tổng 61 cán bộ, giáo viên, nhân viên, quản lý, giảng dạy 352 học sinh/12 lớp, trong đó có 48 biên chế. Như vậy, theo phân tích, lý giải của Hiệu trưởng Đặng Hùng Sơn thì Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Phước đang sử dụng số biên chế cũng như sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo theo quy định. Việc tiếp nhận giáo viên về trường cũng được thực hiện công khai thông qua các tổ chức và Hội đồng sư phạm nhà trường.

  • Từ khóa
181251

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu