Thứ 7, 29/06/2024 21:08:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Báo chí Sông Bé, báo chí Bình Phước trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam 09:21, 06/06/2024 GMT+7

BÁO CHÍ SÔNG BÉ, BÁO CHÍ BÌNH PHƯỚC TRONG DÒNG CHẢY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Bà Rá - “Từ leo tới chạy”

Lê Thảo
Thứ 5, 06/06/2024 | 09:21:24 1,878 lượt xem

KỲ 2: “TRANH CÚP TRUYỀN HÌNH”

Núi Bà Rá nhìn từ lòng hồ thủy điện Thác Mơ (TX. Phước Long) - Ảnh: Phú Quý

Nếu ngày 20-11-1991, đánh dấu cho sự kiện khởi công xây dựng thủy điện Thác Mơ - đưa ánh sáng điện về với bản làng muôn nơi thì chỉ sau đó gần 1 tháng, người dân Phước Long và các huyện phía bắc Sông Bé (tỉnh Bình Phước ngày nay) lại đón chào một sự kiện vui mừng không kém, đó là ngày Đài tiếp vận phát thanh - truyền hình Bà Rá (sau này là Trung tâm Phát sóng phát thanh - truyền hình của địa phương và quốc gia) chính thức được đưa vào hoạt động.

Ngày 18-12-1991, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cắt băng khánh thành Đài phát sóng Bà Rá - Ảnh tư liệu

Ngày 18-12-1991, núi rừng Bà Rá như trẩy hội với cờ, hoa và biết bao dòng người từ khắp nơi đổ về dự lễ khánh thành, chính thức đưa Đài phát sóng Bà Rá đi vào hoạt động - đem ánh sáng văn hóa đến với bà con Phước Long nói riêng và các huyện phía bắc Sông Bé lúc bấy giờ nói chung. Từ đây, các vùng lõm phát thanh, truyền hình đã được xóa; người dân đã nghe và xem được rõ nét nhiều chương trình phát thanh, truyền hình của tỉnh Sông Bé và của quốc gia qua cánh sóng từ đỉnh cao Bà Rá. 

Ông Ngô Thanh Tuyền, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé cùng lãnh đạo tỉnh Sông Bé và huyện Phước Long cũ dự lễ khánh thành Đài phát sóng Bà Rá (18-12-1991) - Ảnh tư liệu

Không nhớ những ngày đó, tôi đã leo lên, tuột xuống bao nhiêu lần trên đoạn đường rừng ngoằn ngoèo dài hơn 1,2 km từ đồi Bằng Lăng đến đỉnh núi Bà Rá để chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành, khi thì đưa các chú lãnh đạo lên tham quan, có đêm còn đốt đuốc đưa các anh chị nhà báo và văn nghệ sĩ tham quan, len lỏi, quanh co đường rừng, dưới đất trời mù sương như rồng rắn lên mây...

Những năm từ 1991-1993, Đài phát sóng Bà Rá vẫn tiếp tục được đầu tư hoàn thiện trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống điện lưới trung và hạ thế, cấp nguồn dự phòng cho hoạt động phát sóng và sinh hoạt nơi đây; đoạn đường rừng quanh co, đèo dốc từ đồi Bằng Lăng lên đỉnh núi tiếp tục được mở rộng và lắp đặt các bậc tam cấp để việc đi lại được dễ dàng và an toàn hơn. Trong khi đó, đoạn đường cấp phối dài 1,5 km từ chân núi lên đến đồi Bằng Lăng khá rộng và thoáng đẹp nên đã thu hút nhiều người đến tham quan, vui chơi dã ngoại.

Đồi Bằng Lăng không chỉ là nơi cán bộ kỹ thuật của đài ăn ở, sinh hoạt và điều hành hoạt động phát sóng ở đây mà còn là nơi đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh “về nguồn” thăm lại chiến trường xưa; nơi linh thiêng được chọn để tổ chức nhiều buổi lễ kết nạp đảng viên cho thế hệ trẻ; là địa điểm diễn ra các hoạt động giao lưu, hội trại và còn là nơi rèn luyện phong trào chạy bộ cho nhiều người dân ở Phước Long. 

Các nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương trong chuyến “Về nguồn” thăm lại đồi Bằng Lăng - Ảnh tư liệu

Đó cũng là những cơ sở và yếu tố khơi gợi cho Ban Giám đốc Đài Sông Bé lúc bấy giờ đưa ta ý tưởng tổ chức một giải chạy lên núi Bà Rá mà giải thưởng sẽ là những chiếc radio và TV; vận động viên đạt giải càng cao thì TV càng to! Cho nên giải chạy này vào những năm đầu hình thành là “Giải Việt dã leo núi Bà Rá, tranh cúp Truyền hình Sông Bé”.

***

Năm 1993, lần đầu tiên một giải chạy việt dã leo núi phong trào với tên gọi: “Giải Việt dã leo núi Bà Rá, tranh cúp truyền hình Sông Bé”, được Đài Sông Bé phối hợp với huyện Phước Long tổ chức đúng vào ngày lễ kỷ niệm Phước Long chiến thắng (ngày 6-1-1975). 

Đường chạy của giải năm đầu tiên này có ngắn hơn đường chạy của giải đấu những năm sau này, vì chỉ chạy trên quãng đường 6,5 km, từ Tượng đài Chiến thắng Phước Long lên đến đồi Bằng Lăng. 

Song, đó đã là thách thức không nhỏ cho nhiều vận động viên phong trào tham gia giải đấu, vì những bước chân của họ phải trải qua những con đường, góc phố dài 5km từ Tượng đài Phước Long chiến thắng - trụ sở làm việc của huyện lỵ cũ, qua chợ Phước Long và hướng về chân núi Bà Rá (gần cầu Thác Mẹ) để leo thêm 1,5km qua các cung đường rừng núi để đến đích tại khu vực đồi Bằng Lăng. 

Giải Việt dã leo núi Bà Rá, tranh cúp Truyền hình Sông Bé lần thứ nhất - 1993 tại đồi Bằng Lăng, núi Bà Rá - Ảnh tư liệu

Sau khi đoạn đường từ đồi Bằng Lăng lên đỉnh núi được hoàn thiện, thì đến những mùa giải sau vào các năm 1994, 1995, 1996 thì đích đến của giải chạy leo núi này là đỉnh núi Bà Rá. Tổng chiều dài từ Tượng đài Phước Long chiến thắng lên đỉnh núi Bà Rá là 7,7km mà các vận động viên cần chinh phục. Trong đó có 2,7km cung đường đồi núi quanh co, dốc đứng và 1.767 bậc tam cấp đầy thách thức mà các vận động viên phải vượt qua để được đứng trên đỉnh cao 723m của ngọn núi này. Khó khăn là vậy, nhưng khi nâng cao chiếc Cúp Truyền hình và khệ nệ ôm những chiếc TV được trao thưởng thật sung sướng biết bao!...

“Từ một giải chạy phong trào được huyện đoàn tổ chức truyền thống hằng năm, đúng vào ngày kỷ niệm Phước Long chiến thắng 6-1, giải chạy này đã ngày càng sôi động và hấp dẫn hơn khi các vận động viên tham gia còn phải chinh phục được những cung đường đèo núi đầy khó khăn, thách thức...”. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long), là một trong những người tham gia tổ chức giải chạy việt dã phong trào trong thanh thiếu niên thời còn huyện đoàn trước đây và cũng là người có nhiều năm gắn bó với giải việt dã leo núi Bà Rá sau này đã từng chia sẻ như vậy.

Nhiều vị lãnh đạo và người dân Phước Long cứ mỗi khi gặp tôi thường nhắc lại chuyện xưa: “Hồi đó còn nhiều khó khăn mà đài tổ chức được giải chạy leo núi Bà Rá làm cho bà con ở đây thiệt là vui! Khí thế phong trào thể thao của người dân ở đây lên hẳn!...”.

Quả vậy, nếu trong giải chạy leo núi đầu tiên năm 1993, chỉ có các vận động viên phong trào là đoàn viên, thanh niên của các địa phương trong huyện và các cơ quan, công ty, xí nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện tham gia thì những năm sau, giải đã mở rộng đến nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh Sông Bé.

Phong trào rèn luyện thân thể khỏe mạnh và môn chạy bộ, chạy việt dã đã được nhân rộng ở nhiều nơi trong tỉnh và ngày càng có nhiều vận động viên khắp nơi đến với giải chạy leo núi Bà Rá...

Sức hút của giải chạy việt dã leo núi này còn được nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và đạo diễn Xuân Cường đưa bối cảnh giải chạy này vào phim “Bằng Lăng tím” do Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước sản xuất vào những năm đầu tách tỉnh (1999). Bộ phim này cũng đã sử dụng bài hát “Xuân về trên đồi Bằng Lăng” của nhạc sĩ Võ Đông Điền viết tặng cho anh em Bà Rá vào năm 1993...

Diễn viên Việt Trinh vào vai một công nhân xí nghiệp hạt điều tại Phước Long, tham gia chạy việt dã leo núi Bà Rá - nguồn internet

***

Chạy và leo núi đã là “từ khoá” mà người dân Sông Bé trước đây, nay là Bình Dương - Bình Phước đặt ra để chỉ đến giải chạy leo núi Bà Rá (6-1) hàng năm. 

Phong trào chạy và leo núi của người dân Phước Long vào những năm này đã không ngừng phát triển lớn mạnh khi mà ngày càng có nhiều người dân ở mọi lứa tuổi đã tham gia tập chạy và tập leo núi.

Đỉnh cao Bà Rá những năm 1991 - 1997, luôn thách thức cho những ai muốn chinh phục - Ảnh tư liệu

Với nhiều người đã cho rằng, chạy và leo núi Bà Rá, không nhất thiết về mục tiêu “Tranh cúp truyền hình” và những giải thưởng mà vì muốn thử thách chính mình, muốn được chinh phục bản thân và trong mỗi con người chúng ta, chỉ khi ta dám vượt qua sự an toàn, chấp nhận sự thử thách và dám chinh phục điều mình ước muốn thì chúng ta sẽ có sự tự tin và niềm kiêu hãnh trên mỗi bước chân ta bước tới!...

(Hết kỳ 2)
Tháng 5-2024

  • Từ khóa
198083

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu