Thứ 2, 03/06/2024 02:56:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 13:23, 17/08/2022 GMT+7

Dịch vụ công trực tuyến - muốn thành công phải bước vững chắc

Ngân Hà
Thứ 4, 17/08/2022 | 13:23:54 2,029 lượt xem
BPO - Cung cấp, quản lý, vận hành hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã và đang được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đối với các cấp, ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thế nhưng, thay vì lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công thì vẫn còn nhiều người dân trực tiếp đến cơ quan hành chính lấy số thứ tự, không ngại chờ đợi nhiều giờ để nộp hồ sơ. Sự thờ ơ này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà còn tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ.

Còn tâm lý chần chừ, trì hoãn

Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại và có thể thực hiện ở bất cứ lúc nào, bất kỳ đâu. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các tổ chức, cá nhân chủ động tiếp cận với những tiện ích mà DVCTT đem lại thì ở vùng sâu, xa, do hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, ngại tìm hiểu, lớn tuổi, không dùng điện thoại thông minh... khiến nhiều người dân vẫn chưa chọn DVCTT trong các giao dịch của mình.

Tại Bộ phận một cửa huyện Bù Đăng, mặc dù đầu tư hệ thống máy móc, nhân lực phục vụ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến nhưng người dân vẫn có thói quen mang hồ sơ đến nộp trực tiếp hoặc nhờ công chức tiếp nhận làm thay

Tại huyện Bù Đăng, dù đã quyết liệt thực hiện không tiếp nhận hồ sơ giấy, tất cả TTHC trên địa bàn huyện đã nâng lên mức độ 3, 4, tuy nhiên tình trạng người dân đến bộ phận một cửa để giao dịch theo cách truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù biết đến dịch vụ công và cũng đã được hướng dẫn tạo tài khoản nhưng do tuổi tác, tiếp thu công nghệ thông tin hạn chế nên ông Hoàng Văn Huân, xã Đức Liễu vẫn phải ra bộ phận một cửa nhờ công chức làm giúp. Ông Huân nêu lý do: “Cũng muốn làm trên cổng dịch vụ công nhưng nhiều thủ tục trên đó còn rườm rà, nhiều bước thực hiện, tôi đã lớn tuổi không còn nhanh nhạy trong sử dụng các thiết bị công nghệ nên lên đây nhờ cán bộ làm giúp cho nhanh”.

Tại Bù Đăng, tình trạng người dân đến bộ phận một cửa để giao dịch theo cách truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ cao

Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân có tâm lý chần chừ sử dụng DVCTT. Mặc dù mỗi ngày ở Bộ phận một cửa xã Bình Minh, huyện Bù Đăng đều có đoàn viên thanh niên ngồi tại bàn hướng dẫn ngay cửa ra vào để hỗ trợ người dân tạo tài khoản cũng như hướng dẫn các bước nộp hồ sơ trực tuyến, thế nhưng chẳng mấy ai quan tâm vì họ nghĩ không làm sẽ có cán bộ làm thay và chấp nhận ngồi chờ hàng giờ đồng hồ để lấy kết quả chứ không đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến.

Chị Vũ Thị Trang ở thôn 8, xã Bình Minh lý giải: “Tôi cũng biết đến dịch vụ công nhưng lâu lâu mới phát sinh hồ sơ, nếu ngồi ở nhà mày mò đăng ký trực tuyến sẽ rất lâu, vả lại nhà tôi gần UBND xã nên mang hồ sơ đến nộp sẽ nhanh hơn”.

Một người rồi nhiều người chần chừ, trì hoãn sử dụng DVCTT đang khiến lãnh đạo xã đau đầu tìm giải pháp. Mặc dù xã đã trang bị đầy đủ hệ thống máy móc tại bộ phận một cửa, lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao và không cài mật khẩu để người dân đến dễ dàng truy cập, cùng với đó là thành lập nhiều tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn trực tiếp cho người dân... nhưng do tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của xã hơn 40%, khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế nên tỷ lệ dịch vụ này chưa đạt như kỳ vọng. Việc đưa nhiều dịch vụ công lên cổng DVCTT mà người dân chưa mặn mà sử dụng đang gây lãng phí lớn.

Ông TRỊNH CÔNG LONG,
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Bù Đăng


Ở xã vùng sâu, xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số như Tân Thành, huyện Bù Đốp, mặc dù đa số người dân đã được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công nhưng chẳng mấy ai sử dụng để nộp hồ sơ trực tuyến. “Bên cạnh quan tâm đầu tư nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin, lãnh đạo các cấp đã tìm nhiều giải pháp phù hợp tình hình địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức nhưng người dân vẫn còn thói quen mang hồ sơ đến nộp trực tiếp. Cán bộ, công chức phải làm thay việc nhập thông tin lên hệ thống, điều này không chỉ mất thời gian của tổ chức, công dân đến giao dịch mà còn gây áp lực cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa” - ông Nông Đức Thắng, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Tân Thành, huyện Bù Đốp tâm tư.

Tại Trung tâm hành chính công huyện Bù Đốp hằng ngày vẫn có nhiều lượt người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp

Cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn

Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, tỷ lệ người dân chủ động sử dụng dịch vụ công để nộp hồ sơ trực tuyến còn khiêm tốn. Ngoài những rào cản là trang thiết bị, đường truyền internet, khoảng cách địa lý, trình độ dân trí, điều kiện sử dụng các thiết bị điện tử thì một nguyên nhân khác là do đặc thù lĩnh vực. Đơn cử như lĩnh vực đất đai của huyện Phú Riềng, hằng ngày có lượng hồ sơ phát sinh nhiều, song tâm lý đa số người dân cho rằng đây là tài sản lớn nên muốn tự cầm hồ sơ, giấy tờ đi giải quyết trực tiếp thay vì giao dịch qua mạng. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Riềng cho rằng: Lĩnh vực đất đai có thành phần hồ sơ nhiều, phải xác minh nguồn gốc và có nhiều trường dữ liệu khác nhau nên người dân còn e ngại. Khó khăn nữa cơ bản chỗ người dân, sự chưa chủ động này dẫn đến tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa đạt yêu cầu. 

Bên cạnh những tiện ích mà dịch vụ công mang lại thì một khó khăn hiện nay khiến người dân vẫn còn loay hoay là Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với dịch vụ công của tỉnh, dẫn đến các tổ chức, cá nhân đã tạo tài khoản trên dịch vụ công tỉnh không thể vào sử dụng được mà bắt buộc phải tạo lại tài khoản mới thông qua dịch vụ công quốc gia và phải đăng ký bằng sim chính chủ. Điều này khiến không ít hộ dân khó khăn trong tạo tài khoản. 

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, người dân phải cầm một xấp hồ sơ đến cơ quan nhà nước chờ đợi đến lượt giải quyết thủ tục sẽ rất lãng phí thời gian, mặt khác còn tạo áp lực lớn cho cán bộ tiếp dân. Triển khai DVCTT có nhiều lợi ích, hạn chế phải đi lại, phải đến trực tiếp cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện TTHC. Đặc biệt, người dân sẽ biết được tiến độ giải quyết hồ sơ đã thực hiện đến đâu. Tuy nhiên, để thay đổi nếp nghĩ, dần hình thành thói quen trong sử dụng DVCTT cho người dân cần phải có các giải pháp đồng bộ.

Ngoài tăng cường tuyên truyền thì mỗi cán bộ ở đầu mối, cơ sở phải tận tâm, tận lực hướng dẫn người dân nhiệt tình, bằng ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu nhất trong quá trình người dân thực hiện TTHC lần đầu qua môi trường điện tử. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường phối hợp, xây dựng các chiến dịch tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng, tránh máy móc, như: Thông qua tổ, nhóm, đoàn thể, khu dân cư, đoàn thanh niên; thông qua video/clip, tờ rơi hướng dẫn các thao tác đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ... Tỉnh cũng đã phủ sóng mạng 3G, 4G, mở rộng các đường truyền dữ liệu, internet với băng thông rộng, hướng dẫn địa phương khắc phục đường truyền mạng để đảm bảo hoạt động trên môi trường mạng ổn định.

Ông NGUYỄN MINH QUANG,
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông


Để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để đơn giản hóa các bước thực hiện TTHC trực tuyến, phải làm thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm và bảo mật thông tin. Từ đó đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tham gia, vì muốn thành công phải bước vững chắc, chạm đến lợi ích của từng người dân.

  • Từ khóa
148861

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu