Thứ 5, 16/05/2024 08:21:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 04:45, 12/07/2022 GMT+7

BÀI DỰ THI LIÊN HOAN NGHIỆP VỤ BÁO CHÍ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN I, NĂM 2023

Chiến dịch thần tốc, lợi ích lâu dài - Bài 2

Ngân Hà
Thứ 3, 12/07/2022 | 04:45:23 1,398 lượt xem

BPO - Toàn tỉnh hiện có hơn 91.000 hội viên nông dân, lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số. Tổ công nghệ số cộng đồng ngoài hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số, tương tác với chính quyền qua các nền tảng số còn hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như “voso.vn”, “postmart.vn”; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, hướng đến lợi ích lâu dài.

CÙNG NÔNG DÂN CHUYỂN ĐỔI SỐ


Phát triển mạnh hơn 10 năm trở lại đây, cây ăn trái được xem là cây trồng mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân Bình Phước. Với diện tích trồng trên 13 ngàn hécta, sản lượng gần 64 ngàn tấn/năm, trong đó chủ yếu là quýt, xoài, chôm chôm, nhãn, mít, sầu riêng, bưởi… song trái cây Bình Phước vẫn chưa có được những thương hiệu lớn. Đa số nông dân, thương lái vẫn xuất khẩu các mặt hàng trái cây qua đường tiểu ngạch. Ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn TMĐT là xu thế tất yếu của nền kinh tế số hiện nay. Đặc biệt, thời gian qua, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng mạnh.

Cùng nông dân “lên sàn”

Ông Hoàng Phước Nghĩa ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú có 3 ha đất trồng xen các loại cây ăn trái, chủ yếu là bưởi da xanh và bán lẻ cho thương lái. Gần đây, ông có kết nối vận chuyển đi TP. Hồ Chí Minh bán lẻ ở các khu chung cư nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời vì nguồn tiêu thụ không ổn định. Để phát triển kinh tế từ cây ăn trái, ông Nghĩa sẽ phải tính đường dài, đặc biệt là tận dụng TMĐT để tìm kiếm các đơn hàng lớn hơn.

“Trở ngại lớn nhất của tôi cũng như nhiều nông dân trồng cây ăn trái trong xã là khả năng tiếp cận, nắm bắt công nghệ còn hạn chế, chưa thể tự tạo đơn hàng, đăng tải, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên sàn TMĐT. Vì vậy, tôi đăng ký tham gia tập huấn để có thêm kỹ năng bán hàng nhờ công nghệ số” - ông Nghĩa chia sẻ lý do thôi thúc ông tham gia lớp tập huấn về cách thức kinh doanh trên sàn TMĐT.

Thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, cùng với chiến dịch 92 ngày đêm đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở Công Thương đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối, tập huấn để doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT. Anh Trần Đức Hùng, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Sàn postmart đã đưa 5.000 hộ kinh doanh sản phẩm lên sàn, miễn các loại phí khởi tạo và duy trì gian hàng để nông dân làm quen với hình thức kinh doanh trên sàn. Bưu điện tỉnh cũng hỗ trợ quản lý đơn hàng, tiếp nhận vận chuyển, phát đơn hàng đến tay người mua và thu hộ tiền trả cho người bán. Toàn bộ các khâu bán hàng của hộ sản xuất sẽ được thực hiện khép kín.

Sở Công Thương đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, bưu điện, Viettel Post Bình Phước triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối, tập huấn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT

Lợi ích của các sàn TMĐT là giải pháp trọn gói giúp các hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Việc kết nối để đưa nông sản của tỉnh lên sàn TMĐT được kỳ vọng sẽ là hướng đi hiệu quả, thay đổi tư duy bán hàng và cập nhật thêm các kiến thức, kỹ năng cơ bản về kinh doanh số cho nông dân. Bởi tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT là điều hoàn toàn mới với người nông dân.

“Bưu điện tỉnh đang hướng dẫn nông dân cách thức tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT Voso.vn, cách tạo tài khoản tham gia kinh doanh trên sàn; cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; hướng dẫn cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm và tổ chức livestream bán hàng trên sàn TMĐT. Sản phẩm đưa lên sàn TMĐT là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, không thông qua trung gian” - chị Phan Thị Thủy Tiên, Bộ phận TMĐT, Viettel Post Bình Phước chia sẻ.

Thông qua sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước, đã có 88 gian hàng với 210 thành viên, 360 sản phẩm chào bán trên sàn; xây dựng website TMĐT cho 4 doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ kỹ thuật kết nối, đăng ký gian hàng, chào bán sản phẩm trên các sàn TMĐT trong nước cho 22 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên sàn TMĐT Postmart.


Tận dụng thời cơ để kinh doanh số

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, tập trung khai thác lợi thế từ các kênh mạng điện tử để giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm bạn hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm không chỉ mở thêm cơ hội mới, giúp nông hộ có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước nhanh nhất mà còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, bỏ bớt các khâu trung gian, tránh bị thương lái ép giá.

Mặc dù đã ký hợp đồng bán trái cây vào Siêu thị Metro, TP. Hồ Chí Minh nhưng ông Trần Mạnh Cường ở ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú vẫn trăn trở: “Việc thay đổi tập tục, thói quen sản xuất và bán sản phẩm không phải ngày một ngày hai mà có được. Đây đang là thách thức với các hộ sản xuất, nông dân khi chưa có kinh nghiệm kinh doanh qua môi trường điện tử. Nông dân muốn vươn mình thì phải kiên định mục tiêu mà mình theo đuổi về chất lượng, mẫu mã và thành thạo kỹ năng sử dụng công nghệ thì mới đáp ứng yêu cầu của kinh doanh số”.

Thúc đẩy giao dịch TMĐT và thanh toán không dùng tiền mặt là những hoạt động đang được đẩy nhanh, đẩy mạnh trong quá trình xây dựng nền kinh tế số. Bình Phước có nhiều thế mạnh để phát triển TMĐT, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh về nông sản. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT còn khá mới, việc tiếp cận các sàn TMĐT là thử thách lớn đối với nông dân khi đang phải loay hoay tiếp cận với công nghệ thông tin, giao dịch qua tài khoản ngân hàng; cùng với đó hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh để đáp ứng yêu cầu của giao dịch trên sàn TMĐT, nhất là sản phẩm trái cây tươi.

Trước thực tế này, để hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh cũng đã chuẩn bị từng bước. Ông Phạm Kim Trọng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: “Trước mắt, hội hướng nông dân sản xuất theo đúng quy trình, có nhật ký truy xuất nguồn gốc, sau đó hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Phấn đấu trong năm nay, 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn được đưa lên sàn TMĐT”.

Các hộ sản xuất sẽ được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số; cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn TMĐT; đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch. Đồng thời, hướng dẫn quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ sản xuất tác nghiệp trong quá trình mua bán trên sàn TMĐT.

Ông Phạm Kim Trọng,
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh


Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản là "chìa khóa" để ngành nông nghiệp tận dụng thời cơ, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Trong hành trình đưa nông sản lên sàn TMĐT, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng mang tính định hướng, dẫn dắt, còn vai trò quyết định vẫn thuộc về người nông dân. Chỉ khi người nông dân thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, từ đó đảm bảo lợi ích lâu dài.

  • Từ khóa
146324

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu