Thứ 4, 08/05/2024 12:11:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:57, 16/09/2020 GMT+7

Khi nông dân "đi học"

Nguyễn Tấn
Thứ 4, 16/09/2020 | 06:57:00 763 lượt xem
BPO - Phải nắm vững khoa học - kỹ thuật và chuyên nghiệp hóa mô hình nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là yêu cầu tất yếu của nông dân trong xu thế kinh tế thị trường hiện nay. Xuất phát từ thực tiễn đó, một chương trình đào tạo nghề cho nông dân được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh triển khai từ đầu năm 2020 đến nay. Qua đó, giúp nhiều hội viên có tay nghề vững nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả và có được sinh kế thật sự bền vững.

Dù đã trên 60 tuổi nhưng đều đặn 3 ngày trong tuần, ông Đỗ Văn Nghĩa Việt ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh lại có cơ hội “cắp sách” đến lớp học nghề trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức tại địa bàn. Cũng như hơn 20 học viên nông dân khác của lớp học này, nhiều năm qua ông Việt chỉ biết chọn hồ tiêu làm cây phát triển kinh tế chủ lực của gia đình. Thế nhưng vài năm gần đây, khi cây tiêu mất giá kèm theo dịch bệnh chết hàng loạt thì ông và nhiều nông dân trong vùng loay hoay không biết tìm mô hình khác để chuyển đổi bởi không có kiến thức. Sau khi đến lớp học nghề trồng nấm thì các nông dân đã tự tin với mô hình kinh tế mới. Ông Việt cho biết: Gia đình có hơn 1 ha tiêu nhưng bị nấm bệnh chết gần hết. Nay được hội nông dân mở lớp học trồng nấm, tôi thấy làm cũng dễ, chỉ 1 hay 2 lao động trong gia đình là làm được, không phải thuê nhân công và hiệu quả kinh tế cũng khá.

Các học viên là những nông dân mọi lứa tuổi ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh thực hành kỹ thuật trồng nấm

Từ nhu cầu thiết thực của nông dân nên sau khi khởi động chương trình dạy nghề từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã tổ chức đào tạo miễn phí 16 lớp tại nhiều huyện, thị xã với gần 600 học viên tham gia, gồm các ngành nghề: Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; trồng nấm; khai thác mủ cao su; trồng rau an toàn; trồng và ghép điều… Không dừng lại ở đó, trung tâm còn đào tạo một số ngành nghề khi người dân có nhu cầu đi làm tại các khu công nghiệp, đồng thời mở rộng đối tượng đào tạo trong cả lực lượng vũ trang nhằm giúp các chiến sĩ sau khi rời quân ngũ có nghề nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Hiện Tiểu đoàn 208, Bộ CHQS tỉnh có hàng trăm chiến sĩ theo học các lớp dạy nghề. Thiếu tá Trần Văn Hà, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 208 cho biết: Ngoài được đào tạo miễn phí thì giảng viên còn rất nhiệt tình và hướng dẫn thực tế nên anh em trong đơn vị say mê học tập. Đây là điều kiện rất tốt để sau này khi rời quân ngũ các chiến sĩ có nghề ổn định.

Qua thống kê đã có khoảng 80% học viên sau khi đào tạo có việc làm với thu nhập ổn định. Đặc biệt, từ kiến thức đã học, nông dân không còn bị phụ thuộc vào 1 mô hình kinh tế nhất định. Bà Phạm Thị Yến Linh, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh chia sẻ: Chúng tôi sẽ đào tạo theo nhu cầu. Trong quá trình truyền đạt kiến thức, lãnh đạo trung tâm cũng quán triệt các giảng viên đứng lớp phải chú trọng thực hành, phải cầm tay chỉ việc để học viên nắm bắt đầy đủ nhất.

Từ thành quả bước đầu mà chương trình đào tạo nghề cho nông dân mang lại, thời gian tới Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng, đồng thời thay đổi chương trình đào tạo nghề phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Cụ thể là hướng tới truyền đạt để nông dân áp dụng được vào canh tác, sản xuất ra nông sản sạch và tiếp cận được cách làm nông nghiệp công nghệ 4.0 nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, đủ điều kiện đáp ứng thị trường cao cấp hơn.

  • Từ khóa
39912

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu