Thứ 2, 20/05/2024 19:26:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 21/11/2011 GMT+7

Động lực mới trong phát triển ngành nghề nông thôn ở Bình Phước

Thứ 2, 21/11/2011 | 00:00:00 219 lượt xem

Kể từ khi Nghị định 66/2006/NĐ-CP, ngày 7-7-2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT) được ban hành thì tình hình NNNT trong cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng đã có bước phát triển đáng kể. Việc thực hiện Nghị định 66 đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống ở địa phương.

BỨC TRANH NHIỀU MÀU SẮC

Khi mới tái lập, Bình Phước chỉ là một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, trình độ dân trí thấp. Tuy có nhiều lợi thế nhưng việc hình thành và phát triển các loại hình NNNT còn nhiều hạn chế. Qua 5 năm thực hiện Nghị định 66, NNNT ở tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 4.500 cơ sở NNNT, tăng gấp 3 lần so với năm 2006 và gần 320 doanh nghiệp với khoảng 13.700 lao động làm nghề chế biến nông - lâm - thủy sản. Hằng năm, các cơ sở NNNT đã góp phần lớn cùng địa phương giải quyết việc làm cho lao động, nhất là ở vùng nông thôn với thu nhập bình quân từ 1-3 triệu đồng/người/tháng.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Xêtiêng

Hiện nay, với các nhóm ngành nghề chế biến nông - lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gỗ sứ, thủy tinh, dệt may cơ khí nhỏ; xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ phục vụ đời sống sản xuất... được đánh giá có sự phát triển khá nhanh và đồng đều. Trong số 131 cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản trên toàn tỉnh, thì thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập chiếm đa số và tập trung vào chế biến hạt điều. Đối với các cơ sở sản xuất đồ gỗ, phần lớn hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ lẻ, tập trung vào các mặt hàng mộc gia dụng là chính. Một ngành nghề nữa có chiều hướng phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội là các cơ sở vận tải (gồm vận tải hành khách và hàng hóa). Toàn tỉnh hiện có 240 cơ sở vận tải, tăng gấp 2 lần so với năm 2006, tập trung chủ yếu ở phường An Lộc (TX. Bình Long), thị trấn Chơn Thành, thị xã Phước Long và thị xã Đồng Xoài.

Ngoài ra, với các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho NNNT đã từng bước đưa sản phẩm nông thôn của tỉnh tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, được bạn bè đánh giá cao. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, phát triển nghề được quan tâm. Hằng năm, toàn tỉnh có khoảng trên 3.000 lao động được đào tạo nghề ở nhiều loại hình nhằm hỗ trợ về nguồn nhân lực cho các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển NNNT được đẩy mạnh và là điều kiện để nâng cao chất lượng ngành nghề.

Sự lan tỏa của các ngành nghề đã mở rộng quy mô và địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Nghị định 66, thực tế trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Cụ thể như: NNNT có tính chất đa lĩnh vực nên công tác quản lý nhà nước còn gặp nhiều trở ngại; hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đều thiếu lao động; chất lượng nguồn nhân lực thấp; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng còn dàn trải, các chính sách khuyến khích phát triển NNNT triển khai chậm, thiếu đồng bộ; thiếu thông tin tiếp thị, thị trường, kỹ năng quản lý tài chính và sản xuất, khả năng tiếp cận công nghệ bị hạn chế; thiếu vốn đầu tư; việc tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết hợp đồng đạt tỷ lệ thấp...

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ GẮN VỚI KHU DU LỊCH

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh về NNNT: Các tỉnh, thành phố tùy thuộc vào đặc thù, thế mạnh để tạo ra cơ chế, chính sách riêng nhằm giữ vững và phát triển nhanh các loại ngành nghề, làng nghề, đặc biệt là các chính sách bảo tồn các làng nghề truyền thống và giá trị văn hóa ở địa phương.

Để làm được điều này trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh đã xác định thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển làng nghề, bảo tồn nghề truyền thống gắn với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở các huyện, thị xã. Tập trung triển khai có hiệu quả quy hoạch NNNT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3012/QĐ-UBND, ngày 28-12-2010; triển khai các chương trình kết hợp tăng hiệu quả phát triển nghề tăng thu nhập cho lao động; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở các địa phương về NNNT, nhất là việc định hướng phát triển nghề. Thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng các làng nghề như mây tre đan, dệt thổ cẩm, chế biến rượu cần gắn liền với các khu du lịch vừa tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lựa chọn và xây dựng các mô hình thí điểm từ đó nhân rộng và phát triển thành các cụm nghề phù hợp với quy hoạch. Tập hợp, tạo điều kiện giúp cho các nghệ nhân giỏi có tâm huyết truyền nghề và cấp chứng nhận nghệ nhân cho các thợ thủ công, nghệ nhân đạt tiêu chuẩn.

Những năm qua, tỉnh Bình Phước được biết đến với nhiều sản phẩm nổi tiếng như hạt điều, bánh kẹo hạt điều, sản phẩm đồ gia dụng, bàn ghế... làm từ gỗ điều, gỗ cao su. Với lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản vào hoạt động. Ngoài ra, để NNNT phát triển hơn nữa, Bình Phước cần phát triển các ngành nghề, làng nghề gắn với phát triển du lịch là hướng đi mới, có ý nghĩa chiến lược vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa tạo điểm nhấn cho khu du lịch gắn những sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng ở địa phương.

Hải Châu

  • Từ khóa
36061

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu