Thứ 2, 20/05/2024 18:45:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 00:00, 17/11/2011 GMT+7

10.000 ha cao su được bảo hiểm

Thứ 5, 17/11/2011 | 00:00:00 268 lượt xem

Nhằm hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013.



Theo quy định tại quyết định này, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BHNN cho hộ, cá nhân nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho nông dân, cá nhân thuộc diện cận nghèo; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp có tham gia bảo hiểm. Các tổ chức sản xuất nông nghiệp có tham gia bảo hiểm sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.

Thực hiện quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định cho phép 3 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm BHNN, gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) và Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinane). Cũng theo quyết định này, đối tượng và địa bàn được phép triển khai thí điểm như sau: Bảo hiểm cây lúa tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Bảo hiểm vật nuôi (Trâu, bò, lợn, gia cầm) tại các tỉnh: Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội. Bảo hiểm thủy sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Như vậy, Bình Phước là tỉnh không thuộc diện triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Mặc dù vậy, nhưng ông Trần Văn Sung, Giám đốc Công ty Bảo Việt Bình Phước cho biết: Công ty Bảo Việt Bình Phước đã tiến hành thực hiện bảo hiểm Nông nghiệp từ năm 1998 và cụ thể là đối với cây cao su. Từ đó đến nay, số doanh nghiệp, hộ dân và diện tích mua bảo hiểm ngày càng tăng. Tính đến hiện nay, Công ty đã nhận bảo hiểm cho khoảng 10.000 ha cây cao su của các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nông dân, chiếm gần 4% diện tích cây cao su toàn tỉnh. Thời gian hợp đồng bảo hiểm là 1 năm đối với cây cao su trồng 1 đến 30 năm và với diện tích tối thiểu từ 1 ha trở lên.

Ông Sung cũng cho biết thêm, sau khi ký hợp đồng bảo hiểm, mọi tổn thất trên vườn cây cao su được Công ty nhận bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường, gồm tổn thất do thiên tai giông bão, lốc, lũ lụt, sét đánh hoặc do cháy. Khi trường hợp rủi ro xảy ra, Công ty sẽ có mức bồi thường tùy theo số tiền bảo hiểm mà người trồng cao su đã mua. Nếu bị thiệt hại hoàn toàn thì 1 ha cây cao su đang cạo sẽ được trả bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng. Ngoài số tiền được Công ty bảo hiểm chi trả khi bị tổn thất, thì mọi sản phẩm khác như mủ tận thu, gỗ cao su… vẫn thuộc về chủ vườn cây.

Những năm gần đây, do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình mưa to kèm theo lốc xoáy thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm ha cây cao su, cây điều và nhiều loại cây trồng khác đang trong thời kỳ cho thu hoạch đã bị gió xoáy là gãy đổ, nước lũ cuốn trôi. Nếu diện tích trên được bảo hiểm thì thiệt hại cho người trồng sẽ được giảm nhẹ.

Tuy nhiên, để đông đảo người dân trồng cao su, điều, tiêu… và các loại cây trồng khác biết được chính sách ưu việt này, rất mong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Công ty Bảo Việt Bình Phước tiến hành tuyên truyền để người dân được biết; đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm đưa cây cao su vào diện cây trồng được hưởng chính sách bảo hiểm theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

NV

  • Từ khóa
36058

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu