Thứ 5, 09/05/2024 16:58:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 16:09, 29/01/2023 GMT+7

MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023

Du lịch xanh - tăng trưởng xanh

Hoàng Quỳnh
Chủ nhật, 29/01/2023 | 16:09:03 1,651 lượt xem

BPO - Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Đó là du lịch xanh, du lịch bền vững. Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Khách du lịch háo hức tham quan vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Những trải nghiệm xanh

Giữa cái nắng hanh hao của mùa thu đông miền Bắc, chị Isabelle Fiona (quốc tịch Đức) chọn đảo Cô Tô là điểm đến trải nghiệm trong hành trình 10 ngày ở Việt Nam. 3 ngày trên “đảo ngọc”, chị được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nét văn hóa độc đáo của ngư dân, thưởng thức hương vị hải sản tươi ngon. Chị chia sẻ: "Lần đầu tiên đến Cô Tô nhưng tôi đã mê nơi này. Biển của các bạn rất đẹp. Tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện về vùng đất, con người nơi đây. Tất cả đều tuyệt vời. Tôi còn tham gia dọn rác trên các bãi biển để bảo vệ môi trường. Đây là một trong những trải nghiệm rất thú vị và đáng nhớ".

Tour du lịch kết hợp nhặt rác bảo vệ môi trường ở huyện đảo Cô Tô thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế

Nhắc đến màu xanh, chúng ta thường nghĩ tới môi trường tự nhiên. Còn màu xanh trong du lịch được hiểu là sức sống, sự bền bỉ của các giá trị tại điểm đến sẽ sống mãi qua thời gian, bao gồm cả giá trị cảnh quan tự nhiên, văn hóa bản địa và nét đẹp trong cộng đồng, xã hội địa phương.

Từ quan niệm đó có thể thấy, du lịch Quảng Ninh đang sở hữu nguồn tài nguyên vô cùng phong phú và đặc sắc với nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa dân tộc. Trong đó, vịnh Hạ Long luôn là tâm điểm, động lực phát triển các hoạt động du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, một số khu di tích cũng trở thành điểm đến thu hút đông du khách, như: Yên Tử, Bạch Đằng, đền Cửa Ông, Khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều… Với địa hình đa dạng, nhiều địa phương miền núi của tỉnh có vẻ đẹp hoang sơ, mang đậm nét văn hóa các dân tộc thiểu số, tạo nên sức hấp dẫn cho loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, như Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái... Các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng được đưa vào khai thác, như Hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng; phát triển du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức... mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long sử dụng ly thủy tinh, ống hút giấy để giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Theo xu hướng du lịch xanh, vấn đề môi trường được tỉnh đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh đã chủ động làm việc và nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực vịnh Hạ Long. Qua đó đạt được một số kết quả nhất định, như: Xây dựng hành trình khám phá văn hóa - lịch sử hào hùng đảo Quan Lạn; hành trình một ngày làm nông dân - ngư dân tại đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn); lắp đặt các nhà vệ sinh sinh thái cho tàu du lịch và trạm ủ phân vi sinh; xây dựng nhãn tiêu chí cánh buồm xanh cho tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long; xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh vịnh Hạ Long.

Các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến, như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng chai nước thủy tinh, ống hút giấy, ly giấy… để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành du thuyền. Huyện đảo Cô Tô triển khai quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni-lon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm lên đảo; đồng thời kêu gọi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng hành động thiết thực...

Du khách trải nghiệm tại khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP. Uông Bí)

“Chìa khóa” của du lịch bền vững

Có thể thấy, du lịch xanh chính là lời giải cho du lịch bền vững. Từ năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm; để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Du khách nghỉ dưỡng tại Thiên đường hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu)

Quảng Ninh xác định, muốn phát triển bền vững phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ phụ thuộc vào sản xuất công nghiệp, công nghiệp khai khoáng sang phát triển dịch vụ, du lịch bền vững và kinh tế biển đảo. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng trên quan điểm phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ chức không gian du lịch gắn với không gian văn hóa; xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô trở thành động lực phát triển dịch vụ của tỉnh và của vùng; xây dựng TP. Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy bền vững di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng…

Đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được nâng cấp phục vụ du khách - Ảnh: Nguyễn Huế

Tàu biển 5 sao Le Lapérouse (Pháp) chở đoàn khách quốc tế đến Hạ Long sau gần 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, tháng 10-2022

Với những định hướng mang tầm nhìn chiến lược, bắt nhịp xu thế, 10 năm qua, ngành du lịch Quảng Ninh đã có những bước phát triển ngoạn mục, gắn với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2015 lên 41,2% năm 2020. Năm 2022, khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần; doanh thu du lịch ước đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với 2021.

Để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch tuân thủ nguyên tắc “Tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường”, “Phát triển du lịch thân thiện với môi trường”, “Không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá”.

Du lịch xanh chính là “chìa khóa” của phát triển bền vững. Du lịch xanh đang là xu hướng của du lịch thế giới. Các mô hình, sản phẩm phát triển dựa trên lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, tuần hoàn tài nguyên, bảo tồn văn hóa. Khái niệm du lịch xanh không chỉ bó hẹp trong các sản phẩm, điểm đến, tour, tuyến tham quan mà còn hướng đến thay đổi nhận thức cộng đồng và du khách.


  • Từ khóa
159438

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu