Thứ 2, 20/05/2024 16:38:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 11:55, 02/06/2022 GMT+7

Ấn tượng với mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn

Phương Dung
Thứ 5, 02/06/2022 | 11:55:04 1,727 lượt xem
BPO - Cồn Sơn thuộc khu 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ được hình thành trên dưới 100 năm, là phần đất do phù sa bồi đắp nổi lên giữa sông Hậu. Đầu cồn đối diện bờ sông Trà Nóc, gần chợ Bình Thủy. Cồn Sơn rộng 73 ha, có 74 hộ dân với khoảng 300 người sinh sống. Người Cồn Sơn nổi tiếng với mô hình khởi nghiệp 0 đồng du lịch sinh thái cộng đồng.

Mâm cơm cộng đồng

Con đường nhỏ dẫn vào Cồn Sơn mát rượi, hai bên đường bóng cây rợp mát. Gió từ sông Hậu ùa vào, xua đi những ồn ào của phố thị khiến du khách cảm thấy rất dễ chịu. Chốc lát, nghe tiếng xe máy phía sau, chúng tôi vội né người vào những hàng rào xanh mướt. Theo anh Trần Minh Thành, hướng dẫn viên của khu, chiếc xe máy của các gia đình đang đưa những món ăn trưa đến địa điểm để đoàn chúng tôi dùng cơm. 

Mâm cơm cộng đồng ở Cồn Sơn dân dã nhưng được du khách đánh giá rất cao

Đặc sản du lịch nhiều năm nay của Cồn Sơn chính là “mâm cơm cộng đồng”. Khách đến Cồn Sơn không chỉ thưởng thức mâm cơm cộng đồng, mà còn cảm nhận được câu chuyện văn hóa, tình người giữa bốn bề sông nước. Bữa cơm trưa của đoàn chúng tôi có nhiều món, trong đó có cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, gà Cồn Sơn hấp hèm, ốc luộc, gỏi cổ hủ dừa, lẩu cua đồng, lục bình xào tép… Những món ăn tuy trang trí đơn giản nhưng hút mắt. Anh Thành cho biết: “Mỗi món ăn được một gia đình thực hiện nên hương vị khác nhau, khách ăn chậm rãi sẽ cảm nhận được cái tình của đất, của người nơi đây”.

Mâm bánh dân gian Nam Bộ do chính tay nghệ nhân ở Cồn Sơn làm để phục vụ khách du lịch

Có lẽ do cách chế biến khác lạ nên những món ăn trong mâm cơm cộng đồng ở Cồn Sơn được du khách đón nhận nồng hậu. Chị Quỳnh Như, du khách từ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước chia sẻ: Lẩu cua đồng thì giờ phổ biến quá rồi, ở đâu cũng có. Nhưng lẩu cua đồng ở Cồn Sơn ngon đến khó quên. Nước lẩu ngọt thanh, tảng cua thơm, các loại rau tươi giòn. Ăn đến đâu mình thấy luôn được sự kỳ công của người chế biến đến đó. Phải sơ chế kỹ đến mức nào, nêm nếm thuần thục ra sao thì món ăn mới thực sự khó quên như vậy.

Chính cái cách làm du lịch “không giống ai” ở Cồn Sơn đã kéo những con người không máu mủ, ruột rà lại với nhau và dần xem nhau như người một nhà. Mái nhà Cồn Sơn với kiểu “mần ăn” không cạnh tranh mà cùng nhau phát triển. Bên cạnh mâm cơm cộng đồng, cái cách “hùn hạp” mỗi nhà một loại trái cây để tạo thành mâm trái cây trên bàn tiệc đãi khách đã níu chân du khách cả ta, cả Tây đến với Cồn Sơn ngày một nhiều hơn.

Phát triển du lịch từ những cù lao

Trung bình mỗi tháng, Cồn Sơn đón 2.000-3.000 khách đến tham quan, cao điểm có tháng đón 6000 lượt du khách ghé thăm. Đến Cồn Sơn, du khách được trải nghiệm những dịch vụ như ăn ổi vườn, uống trà sen, chèo xuồng, đi cầu tre, tận mắt chứng kiến cá lóc bay…. Ngoài các món ăn có nguyên liệu từ vùng quê sông nước, người dân ở Cồn Sơn còn tiếp đón và chiêu đãi du khách các loại bánh dân gian Nam Bộ như bánh xèo, bánh khọt, bánh bèo, bánh lọc… Cảnh sắc yên bình, con người dân dã, những món ăn mang đậm bản sắc quê hương và những câu chuyện văn hóa về Cồn Sơn luôn khiến du khách cảm thấy tìm về được với truyền thống, ký ức và những giá trị của tự nhiên. Cách làm du lịch độc đáo của Cồn Sơn đang mở ra kỳ vọng mới cho sự phát triển của rất nhiều cồn (cù lao) lớn nhỏ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Cổng vào một vườn du lịch ở Cồn Sơn

Cồn Sơn cũng chỉ là một trong số hàng ngàn cù lao khác ở vùng sông nước miền Tây. Nhưng vì sao Cồn Sơn trong vài năm gần đây đã thu hút lượng khách du lịch lớn và ngày một phát triển thì không phải ai cũng lý giải hết được. Anh Trần Minh Thành cho rằng, bản thân mới đầu cũng không biết làm du lịch là cái gì, nhưng chính cái sự mộc mạc, chân thành đó đã khiến du khách thích thú. Người dân ở Cồn Sơn còn giữ được nét Nam Bộ xưa nên làm du lịch rất bình dân. Từ bộ áo bà ba, chiếc khăn rằn đến câu nói “ý chèn ơi” cũng rặt Nam Bộ. Họ giao tiếp với khách một cách tự nhiên, gần gũi như chính người thân trong gia đình mình vậy.

Sự khác biệt để Cồn Sơn thu hút khách là người dân ở đây còn giữ được tính cộng đồng rất cao. Du lịch ở Cồn Sơn được tạo thành từ một chuỗi mắt xích không thể tách rời, thể hiện rõ nét ở mâm cơm cộng đồng. Trên mâm cơm ấy, các món khác nhau, tuy riêng mà chung. Đó là sự thương yêu, đùm bọc, đoàn kết. Vì vậy sản phẩm du lịch ở Cồn Sơn không đơn thuần là bữa ăn mà còn là kết quả của quá trình liên kết gắn bó trên tinh thần tình làng nghĩa xóm của các hộ dân. Và đó cũng chính là cách họ hòa nhập với cuộc sống hiện đại mà vẫn gìn giữ, phát huy được những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, văn minh của miệt vườn sông nước.         

  • Từ khóa
143612

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu