Thứ 2, 20/05/2024 17:43:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 15:16, 18/05/2021 GMT+7

Đảo tiền tiêu Cồn Cỏ

Thanh Trà (tổng hợp)
Thứ 3, 18/05/2021 | 15:16:00 636 lượt xem
BPO - Đảo Cồn Cỏ cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khoảng 17 hải lý. Từ địa đạo Vịnh Mốc, phóng tầm mắt về phía biển có thể thấy một vùng đảo nhỏ xanh ngắt giữa biển khơi. Phong cảnh thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái phong phú, các di tích lịch sử mang nhiều giá trị cùng sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong phát triển du lịch, Cồn Cỏ đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Đảo Cồn Cỏ xanh ngắt giữa biển khơi

Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc bộ thuộc huyện Cồn Cỏ. Đảo có vị trí khá thuận lợi vừa gần đất liền vừa có thể mở hướng vươn khơi phát triển kinh tế biển đảo (dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng…), hoạt động du lịch (trong tam giác Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ nói riêng và Quảng Trị nói chung).

Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo phù, Con Hổ hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Theo sử sách, từ thế kỷ thứ XVII-XVIII, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng chân. Theo các nhà khảo cổ, những thế kỷ đầu Công nguyên, Cồn Cỏ từng có cư dân đặt chân đến và để lại nhiều dấu tích… Còn trong kháng chiến chống ngoại xâm, Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ đất nước, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân, dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Cồn Cỏ hình thành do hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa cách đây hàng vạn năm, có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm hoang sơ... Nơi đây có khí hậu ôn hòa. Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi hơn 70% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, song rừng nguyên sinh trên đảo vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm với nhiều tầng cây cỏ làm cho Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh với thảm thực vật phong phú.

Vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ sở hữu một hệ sinh thái san hô vô cùng phong phú và đa dạng. Hiện có khoảng 109 hoài san hô khác nhau, trong số đó có san hô đỏ và san hô đen vô cùng quý hiếm.

Mấy năm trở lại đây, việc đi lại ra đảo đã thuận lợi hơn rất nhiều kể từ khi đảo được cấp phép khai thác du lịch. Mỗi chuyến tàu ra đảo thường bắt đầu ở cảng Cửa Việt. Thời gian tàu chạy ra đảo hơn 1 giờ với giá vé khoảng 200 ngàn đồng/người. Đến đây, du khách sẽ không tìm thấy những khu nghỉ dưỡng sang trọng hay những dịch vụ đa dạng, song hấp dẫn ở Cồn Cỏ chính là sự hoang sơ và yên bình. Và điểm gây ấn tượng với du khách khi đến thăm Cồn Cỏ, là ngọn hải đăng. Nhìn từ xa, ngọn hải đăng đứng sừng sững giúp tàu thuyền định hướng và là cột mốc hết sức quan trọng để xác định đường cơ sở biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ trên đỉnh ngọn hải đăng, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quanh toàn đảo… Thời gian đi đảo Cồn Cỏ thích hợp nhất là mùa hè trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8. Từ tháng 9 đến tháng 11 thường là mùa mưa bão.

Đặc biệt, Công ty Điện lực Quảng Trị vừa đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà thứ 2 với công suất 35kWp tại huyện đảo Cồn Cỏ, nâng tổng công suất điện mặt trời mái nhà tại đảo tiền tiêu này lên 55kWp. Đảo Cồn Cỏ cách xa đất liền, việc đưa lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo còn nhiều khó khăn trong khi vận hành các máy phát điện diesel rất tốn kém. Vì vậy, việc đưa vào sử dụng nguồn năng lượng tái tạo dựa trên lợi thế tự nhiên của huyện đảo không chỉ đa dạng nguồn cung cấp điện, phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị và nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của các hộ dân trên đảo mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh vùng biên giới, hải đảo.       

Truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ

Xa xưa, có một người rất khỏe tên Thồ Lồ, công việc hằng ngày của ông là đào đất đắp núi. Một lần, ông Thồ Lồ gánh 2 sọt đất quá nặng, đòn gánh bị gãy khiến 2 sọt đất văng ra 2 phía. Sọt văng về phía núi thành ra động Lòi Reng (quả núi lớn hiện thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Sọt văng ra biển hóa thành đảo Cồn Cỏ.


  • Từ khóa
123608

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu