Thứ 2, 20/05/2024 18:41:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Du lịch 05:44, 03/04/2021 GMT+7

Bồi đắp thương hiệu du lịch quốc tế vịnh Hạ Long

Thứ 7, 03/04/2021 | 05:44:00 632 lượt xem
BPO - Sau hơn 20 năm được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long (VHL) đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh, là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế. Kể từ khoảnh khắc khẳng định giá trị VHL trên bản đồ di sản thế giới, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực để phát huy những giá trị vô giá của di sản cũng như bồi đắp, xây dựng thương hiệu quốc tế của VHL.

Năm 1994, VHL là di sản tự nhiên đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản thế giới bởi giá trị ngoại hạng về phương diện cảnh quan, thẩm mỹ. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh cũng như Việt Nam, khẳng định tầm vóc và giá trị mang tính toàn cầu của VHL, nằm trong danh mục những di sản danh giá nhất của thế giới cần được bảo vệ và tôn vinh; mở ra cơ hội to lớn để khai thác, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Du khách quốc tế ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ giữa lòng di sản

Đến năm 2000, VHL được UNESCO công nhận lần thứ 2 về giá trị địa chất địa mạo một lần nữa khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của VHL. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp diễm lệ, hoành tráng của biển đảo, mà VHL còn là một bảo tàng địa chất khổng lồ, nơi ngưng đọng những dấu tích quan trọng của quá trình hình thành, vận động, phát triển của địa hình vỏ trái đất khu vực này.

20 năm qua, những giá trị và thương hiệu của VHL tiếp tục được bồi đắp, khẳng định với hàng loạt danh xưng, thứ hạng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. VHL không chỉ là một di sản thế giới mà đã trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Du khách trải nghiệm đan lưới tại làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long

Để phát huy những giá trị đó, nhất là bồi đắp thương hiệu quốc tế, đưa VHL có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch thế giới, những năm qua, các đơn vị, doanh nghiệp đã không ngừng đẩy mạnh công tác bảo tồn, tổ chức quản lý các hoạt động cũng như đầu tư phát triển để khai thác phát triển du lịch của di sản. Trong đó, đầu tư, tu bổ có trọng tâm, trọng điểm, chủ yếu vào các công trình phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị VHL, như: Tu bổ tôn tạo động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti Tốp…; nâng cấp cảng bến, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tại các điểm tham quan… Những dự án này là bước đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy giá trị, làm tăng tính hấp hẫn của VHL, đáp ứng mục tiêu bảo tồn các giá trị tự nhiên, nâng cao giá trị di sản.

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường VHL luôn được Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu, không chỉ để giữ gìn nguyên vẹn vẻ đẹp di sản mà còn hướng đến phát triển du lịch bền vững. Đáng chú ý, tháng 11 vừa qua, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA trị giá gần 12 tỷ yên (trên 2.500 tỷ VNĐ) cho Dự án “Thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long”. Thời gian hoàn thành vào tháng 2-2025.

“Với gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ, di sản - kỳ quan thế giới VHL là địa danh, là cái tên được thị trường đón nhận, đánh giá và nhận biết tốt nhất hiện nay trên thị trường du lịch Việt Nam. Nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế đã liên tục bầu chọn VHL nằm trong số điểm đến đẹp nhất thế giới, như bầu chọn là một trong 10 vịnh đẹp nhất thế giới, một trong 100 hành trình du lịch hấp dẫn nhất trên thế giới, một trong 10 cảnh quan đẹp kỳ bí nhất trên thế giới, là điểm đến có cảnh sắc non nước tuyệt đẹp trên thế giới... Các nghiên cứu khoa học trong nước đã chỉ ra rằng khoảng 60-70% du khách đến Việt Nam mong muốn đến Hạ Long. Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà quản lý du lịch, khách du lịch coi Hạ Long là địa danh đại diện cho thương hiệu du lịch Việt Nam...” - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá trong nhiều lần đến VHL.


Năm qua, Ban Quản lý VHL đã thực hiện hàng loạt nội dung: Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện mặt bến, bến cập tàu và nhà điều hành quản lý hang Tiên Ông và động Mê Cung; bảo trì thường xuyên hệ thống phao neo, phao báo hiệu tại các điểm tham quan, lưu trú trên VHL và khu vực chiếu sáng nghệ thuật tại khu vực Quảng trường 30/10...

Trên VHL hiện có khoảng 500 tàu du lịch, trong đó có gần 200 tàu lưu trú nghỉ đêm. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhiều doanh nghiệp vận tải khách du lịch đã mạnh dạn đổi mới phương tiện, đầu tư nhiều tàu chở khách trọng tải lớn, hình thức sang trọng, hệ số an toàn cao.

Phó trưởng Ban Quản lý VHL Phạm Đình Huỳnh cho biết: Năm 2021, Ban tiếp tục tham mưu hoàn thiện và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới VHL giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2040; xây dựng Quy hoạch tổng thể di sản thiên nhiên thế giới VHL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phối hợp xây dựng hồ sơ VHL mở rộng với quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận.

Hoàng Quỳnh

(Bài viết theo chương trình phối hợp giữa BPTV và Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh)

  • Từ khóa
121862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu