Thứ 5, 09/05/2024 16:55:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 10:19, 11/07/2013 GMT+7

Nhiệm vụ và quyền hạn của quốc hội

Thứ 5, 11/07/2013 | 10:19:00 31 lượt xem

* Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật (Khoản 1)...Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật (Khoản 9)...”. Ở đây, tôi xin góp ý về cách dùng từ. “Làm” được định nghĩa là một hoạt động có mục đích của con người để tạo ra của cải vật chất, tinh thần nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống: Làm việc, làm nhà, làm đường giao thông... “Bãi bỏ” là loại những cái lạc hậu, không còn phù hợp ra khỏi đời sống xã hội. Hiến pháp là luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất hay còn gọi là “luật mẹ” nên việc sử dụng từ ngữ cần đảm bảo tính chính xác, khoa học và đại chúng (dễ hiểu) nhưng đồng thời phải giữ được “cái thần” mang tính trang trọng, trang nghiêm. Tôi đề nghị thay từ “làm” bằng “xây dựng” và thêm “bổ sung” vào sau “sửa đổi” (Khoản 1), thay “bãi bỏ” bằng “giải thể”, thêm “theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ” vào sau “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” để tăng tính nhấn mạnh và bỏ “thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật” vì quá chung chung. Như vậy 2 khoản này sẽ được sửa lại như sau: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn “Xây dựng Hiến pháp và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, xây dựng luật và sửa đổi, bổ sung luật (Khoản 1)... Quyết định thành lập, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ (Khoản 9)...”.

* Điều 76 (sửa đổi, bổ sung Điều 85) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: 1.“Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong” (Khoản 2). “Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp chiến tranh” (Khoản 3). Trên thực tế, việc ấn định mốc thời gian “sáu mươi ngày” như tại Khoản 2 là rất khó thực hiện vì còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan, chủ quan trong quá trình tổ chức bầu cử Quốc hội trên phạm vi cả nước. Tôi đề nghị thêm “trong vòng” vào trước “sáu mươi ngày” để tăng tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện Hiến pháp và luật (Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân). Tại Khoản 3, Điều 76 khẳng định, trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội có quyền quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình khi đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện: được ít nhất hai phần ba số đại biểu tán thành và theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo tôi, quy định tại Khoản 3, Điều 76 là đúng nhưng còn thiếu và cách diễn đạt chưa lôgic. Thiếu ở chỗ chỉ đề cập “việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp chiến tranh”, vậy còn việc rút ngắn nhiệm kỳ thì trong thời gian bao lâu? Chưa lôgic ở chỗ, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội có đề nghị thì Quốc hội mới đưa ra thảo luận và biểu quyết, chứ không thể biểu quyết trước rồi đề nghị sau. Tôi đề nghị sửa lại Khoản 3, Điều 76 như sau: “Trong trường hợp đặc biệt, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị và được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội có quyền quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá mười hai tháng, trừ trường hợp chiến tranh”.

* Cách diễn đạt tại Khoản 1, Điều 124 (sửa đổi, bổ sung điều 147) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng chưa lôgic. “Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”. Tôi đề nghị sửa lại như sau: “Khi Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị và được ít nhất hai phần ba số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định việc xây dựng Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp”.

Chính Trực (TX. Bình Long)

  • Từ khóa
111661

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu