Thứ 5, 09/05/2024 13:58:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 20:45, 22/10/2013 GMT+7

Vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Thứ 3, 22/10/2013 | 20:45:00 57 lượt xem

Điều 122 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là những chế định về Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và đây cũng là điều có nội dung hoàn toàn mới, như sau: 1. KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 2. Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng KTNN do luật định. Tổng KTNN chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì trong Hiến pháp cần Hiến định rõ địa vị pháp lý và vai trò của KTNN và Tổng KTNN theo hướng: KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định. Tổng KTNN là người đứng đầu cơ quan này và do Quốc hội bầu theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Tổng KTNN phải chịu sự bãi nhiệm, miễn nhiệm của Quốc hội, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ Quốc hội, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội, có trách nhiệm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Vì, chỉ có địa vị pháp lý độc lập và thường xuyên được giám sát, thì KTNN mới thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng.

Khoản 4, Điều 103 (sửa đổi, bổ sung Điều 114) có quy định như sau: 4. Chỉ đạo việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước, đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;… Theo tôi thì quy định như trên là thừa, không cần thiết và trùng lặp. Vì đây là nhiệm vụ của Chủ tịch nước đã được quy định tại Điều 91 như sau: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Hơn nữa, tại Khoản 6, Điều 93 trong dự thảo cũng đã quy định rõ một trong những nhiệm vụ của Chủ tịch nước là: 6. Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 75; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền do Quốc hội quy định. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ Khoản 4 trong Điều 103.

Tại Khoản 6 của Điều 101 trong dự thảo có quy định như sau: 6. Thống nhất quản lý về quốc phòng, an ninh, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;… Về điều này, tôi có hai ý kiến như sau: Thứ nhất, đây là nhiệm vụ của Chủ tịch nước (cũng là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh) chứ không phải của Thủ tướng chính phủ. Vì vậy, tôi đề nghị chuyển Khoản 6 của Điều 101 trên đây về Điều 94. Thứ hai, nếu để nội dung của khoản này ở Điều 101 thì tôi đề nghị ở phần cuối phải bổ sung nội dung sau vào phần cuối cùng của khoản này: “Khi được sự ủy quyền của Chủ tịch nước”. Như vậy, nếu Khoản 6 được giữ lại trong Điều 101, thì sẽ được viết lại như sau: 6. Thống nhất quản lý về quốc phòng, an ninh, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước khi được sự ủy quyền của Chủ tịch nước.

Điều 121 là điều có nội dung hoàn toàn mới, với quy định như sau: 1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên. 2. Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa chặt chẽ, chưa quy định hết và rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ cũng như địa vị pháp lý và thời gian tồn tại của Hội đồng bầu cử quốc gia. Vì vậy, tôi đề nghị nội dung của điều này cần được viết lại như sau: 1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ ấn định và công bố ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chỉ đạo việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 2. Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập chậm nhất là 365 ngày trước ngày Quốc hội đương nhiệm hết nhiệm kỳ và tự giải tán sau khi Quốc hội khóa mới thẩm tra và công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, sau khi tổng kết, xử lý xong các khiếu nại về bầu cử. 3. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên. 4. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia, số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định.                                                                                              

Văn Minh

  • Từ khóa
108266

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu