Thứ 5, 09/05/2024 11:34:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 06:51, 08/09/2013 GMT+7

Quyền con người và quyền công dân

Chủ nhật, 08/09/2013 | 06:51:00 65 lượt xem

Điều 15 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) có nội dung như sau: 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung của Khoản 1 của Điều 15 nêu trên, vì quyền con người hoàn toàn khác với quyền công dân. Và trong dự thảo cũng đã quy định rõ, Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền con người và quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, nội dung của Khoản 2 lại cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Khoản 1. Vì ở Khoản 1 chúng ta đã khẳng định quyền con người, quyền công dân được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, nhưng đến Khoản 2 thì lại khẳng định rằng “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”…là không ổn, thiếu sự thống nhất. Do đó, ở khoản 2, tôi đề nghị sửa lại như sau: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp luật định.

Điều 23 trong dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 73) có nội dung như sau: 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.

Với nội dung trên, tôi hoàn toàn đồng ý với quy định tại Khoản 2, nhưng ở Khoản 1 thì không. Vì Công ước Quốc tế về quyền con người hiện nay cũng là pháp luật của nhiều nước trên thế giới hiện chỉ bảo vệ đời sống riêng tư, không bảo vệ bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Còn đối với nước ta, nếu mở rộng việc bảo vệ bí mật cá nhân, gia đình như trên thì sẽ rất khó cho việc thực thi một số đạo luật đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Chống rửa tiền hay quy định về kê khai tài sản. Xu hướng phát triển ngày nay, việc bí mật đời tư hay gia đình của những người càng có chức vụ cao trong chính quyền hay người của công chúng thì cần được công khai, minh bạch. Ví dụ như: Thu nhập, tài sản là bất động sản và động sản, tiền, vàng, kim khí quý, phương tiện đắt tiền… và thậm chí là thu nhập của vợ, con những người này….

Có như vậy thì việc phòng chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền mới thuận lợi và mang lại hiệu quả. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung cụm từ “trừ trường hợp luật định” vào phần cuối của Khoản 1 và viết lại như sau: 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật định

Điều 26 trong dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 69) có quy định như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Theo suy nghĩ của tôi thì quy định như trên là chưa đúng, chưa đầy đủ so với các Công ước Quốc tế hiện nay trong việc thể hiện địa vị pháp lý của các quyền này. Hơn nữa, nếu quy định như trên thì công dân có quyền “được thông tin”, nhưng ai thông tin và thông tin về vấn đề gì thì còn rất lờ mờ. Vì vậy, tôi đề xuất sửa lại như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Tại Điều 30 trong dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 53) có quy định như sau: Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Theo nội dung của quy định trên xem ra chưa chuẩn xác về ngôn ngữ trong một bản Hiến pháp. Hơn nữa, cụm từ “biểu quyết” chưa nói hết tầm quan trọng, giá trị của những công việc hệ trọng có liên quan đến an ninh, chủ quyền quốc gia hay vận mệnh của cả dân tộc. Từ xưa tới nay, việc biểu quyết chỉ để dùng vao công việc bình thường hằng ngày như lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân hay biểu hiện sự thống nhất của tập thể về một vấn đề nào đó trong cơ quan, đơn vị, khu phố hoặc trường học… Vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều này và viết lại như sau: Công dân có quyền được trưng cầu ý kiến về những vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước và vận mệnh quốc gia.

Nguyễn Tuấn (Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108251

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu