Thứ 5, 09/05/2024 11:35:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:51, 31/08/2013 GMT+7

Phát huy truyền thống văn hóa

Thứ 7, 31/08/2013 | 14:51:00 107 lượt xem

Điều 5 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 5) có 4 khoản là những quy định về sự bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam và về ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết… Ở Khoản 3 có nội dung như sau: 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì trong dự thảo sử dụng cụm từ “các dân tộc” có khái niệm chung và chưa rõ nghĩa. Vì vậy, tôi đề xuất kiến nghị cần lược bỏ cụm từ “các dân tộc” và thay vào đó bằng cụm từ “mọi người”. Vì đại từ “mọi người” ở đây cũng bao quát hết công dân thuộc các thành phần dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề xuất diễn đạt lại phần cuối của Khoản 3, tức là nói về việc giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình… cho ngắn gọn nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ ý nghĩa. Cụ thể, tôi đề nghị thay nội dung “giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” bằng nội dung sau: “Giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”. Như vậy, ở Khoản 3 của điều này được viết lại như sau: 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Mọi người có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình .

Điều 15 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) có 2 khoản, với nội dung như sau: 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Theo tôi thí quy định như trên là đúng nhưng không đầy đủ, thiếu rõ ràng và vừa dài dòng làm cho việc thực thi khó khăn hơn. Vì vậy, tôi đề xuất ở nội dung của điều này nên gom hai khoản thành một và viết lại như sau: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp luật định.

Điều 21 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều mới và cũng là điều ngắn nhất, với nội dung chỉ có 5 từ như sau: Mọi người có quyền sống. Theo tôi thì quy định như trên hoàn toàn đúng và phù hợp với pháp luật quốc tế. Vì quyền sống là quyền cao quý nhất và thiêng liêng nhất trong tất cả quyền con người. Tuy nhiên, nếu chỉ với nội dung trên thì lại không chặt chẽ, không đầy đủ và không rõ nghĩa. Vì trong xã hội không phải ai ai cũng là những người nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. và đối với những kẻ có hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội hoặc có hành vi phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân, làm nguy hại cho đất nước… thì cần phải bị loại trừ vĩnh viễn khỏi cộng đồng. Những đối tượng này dứt khoát không có quyền được sống.

Và thực tế là ở quốc gia nào trên thế giới cũng đều phải khẳng định trong văn bản pháp luật cao nhất - Hiến pháp. Vì vậy, tôi đề xuất ở điều này cần bổ sung từ “đều” vào trước “người”, thêm từ “được” trước từ “quyền” và thêm nội dung “không ai bị tước đoạt quyền được sống một cách trái pháp luật”. Do đó, điều này sẽ được viết lại như sau: Mọi người đều có quyền được sống, không ai bị tước đoạt quyền được sống một cách trái pháp luật.

Điều 32 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 72) có 4 khoản, với nội dung như sau: 1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Theo tôi viết như trên là rất khó hiểu, dẫn đến khó thực thi, mà Hiến pháp cần phải được toàn dân dễ đọc, dễ hiểu. Do đó, ở Khoản 1, tôi đề xuất sửa lại nội dung và viết như sau: Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án đã hiệu lực pháp luật. Vì quy định như vậy mới đầy đủ và rõ nghĩa, lại dễ hiểu. Xuất phát từ quan điểm này, tôi đề nghị ở Khoản 2, Điều 32 sửa lại như sau: Không ai bị kết án 2 lần vì một hành vi phạm tội. Ở Khoản 4, theo tôi cần được thay cụm từ “trợ giúp pháp lý” bằng cụm từ “nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” cho rõ nghĩ và dễ hiểu hơn. Vì trợ giúp pháp lý là trùng với hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách ở phạm vi hẹp và không chuẩn xác.

Như vậy, Điều 32 sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ có nội dung như sau: 1. Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án đã hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án 2 lần vì một hành vi phạm tội. 3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Như Nhất 

  • Từ khóa
108246

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu