Thứ 5, 09/05/2024 14:32:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 15:31, 27/08/2013 GMT+7

Cấn khuyến khích phát triển kinh doanh

Thứ 3, 27/08/2013 | 15:31:00 89 lượt xem

Tại Khoản 2, Điều 15 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) có nội dung như sau: 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được sự công bằng, dân chủ và biểu hiện cao nhất của công bằng, dân chủ là việc con người ứng xử với nhau bằng pháp luật. Cụ thể, pháp luật quốc tế về quyền con người là không thể tùy tiện bị hạn chế hay tước bỏ. Có những quyền con người là tuyệt đối, bất luận trong trường hợp nào thì cũng không bị hạn chế, không bị tước bỏ. Ví dụ, quyền không bị tra tấn, nhục hình, quyền được xét xử công bằng, quyền được bình đẳng trước pháp luật, quyền được mưu cầu hạnh phúc…. Bên cạnh đó cũng có những quyền bị hạn chế trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định như quyền tự do đi lại, quyền hội họp, biểu tình, đình công.

Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia có thể chế chính trị khác nhau thì việc hạn chế quyền này, quyền khác của con người cũng khác nhau, nhưng chỉ có thể thực hiện theo đúng quy định của pháp luật do quốc gia đề ra, mà không thể theo bất cứ quy định hay mệnh lệnh nào khác. Vì vậy, theo tôi thì quy định như ở Khoản 2, Điều 15 là “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” là chưa thể hiện được nội dung cốt lõi của việc hạn chế quyền con người bằng pháp luật. Do vậy, tôi đề nghị sửa Khoản 2 Điều 15 thành được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe của cộng đồng, nhưng phải do pháp luật quy định.

Ở Khoản 1, Điều 31 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: 1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa thể hiện hết quyền khiếu nại cũng như trách nhiệm của công dân. Vì xét trên góc độ lý luận và cả thực tiễn đều cho thấy, mọi người không thể chỉ có quyền khiếu nại, tố cáo về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức hay cá nhân mà còn có quyền khiếu nại, tố cáo cả những quyết định trái pháp luật và sự bỏ mặc không hành động trước một sự việc trái với quy định của pháp luật.

Nói cách khác là mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo cả quyết định và hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào. Do vậy, để quy định trên đúng với ý nghĩa của nó, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 31 như sau: 1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 34 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 57) có 2 khoản với quy định ngắn gọn như sau: 1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh. Xét về góc độ pháp luật thì quy định trên đây hoàn toàn chính xác, hoàn toàn đúng, nhưng trong điều kiện của đất nước hiện nay thì xem ra quy định trên chưa hẳn là đã hoàn thiện, chuẩn mực. Vì quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước ta là khuyến khích, động viên mọi người đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh và làm giàu chính đáng. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở Khoản 2, Điều 31 cần được sửa đổi, bổ sung nội dung vừa bảo hộ, nhưng cũng đồng thời vừa khuyến khích hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nhân và các tầng lớp nhân dân.

Việc sửa đồi, bổ sung nội dung ở Khoản 2 này có ý nghĩa quan trọng trong việc hiệu triệu, khuyến khích doanh nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh làm giàu cho mình và cho đất nước. Đây là một yêu cầu rất quan trọng của giai đoạn hiện nay và cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước ta. Hơn nữa, ngay sau khi tuyên bố giành độc lập vào ngày 2-9, thì đến ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các giới công thương Việt Nam. Trong thư Bác đã viết: …Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp, thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đảm vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân. Đây được xem là bản tuyên ngôn đầu tiên, văn kiện đầu tiên của Đảng, Nhà nước ta đối với giới doanh nhân. Và trong thư Người cũng đã khẳng định: Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 49, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2002).

Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị ở Khoản 2, Điều 34 cần bổ sung cụm từ “khuyến khích và” vào sau cụm từ “Nhà nước”. Như vậy, khoản này được viết lại như sau: 2. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ quyền tự do kinh doanh.

DV

  • Từ khóa
108244

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu