Thứ 5, 09/05/2024 12:09:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:15, 22/08/2013 GMT+7

Quyền của người sử dụng đất

Thứ 5, 22/08/2013 | 08:15:00 40 lượt xem

* Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có hai khoản với nội dung như sau: 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Để Hiến pháp của nước ta thực sự văn minh, tiến bộ và mang tầm thế giới về vấn đề bảo vệ quyền con người, tôi đề xuất nên bỏ từ “ở” ngay đầu của Khoản 1 và bổ sung vào đó là cụm từ “Nhà nước và xã hội”.

Ở Khoản 2 của điều này tôi đề xuất cần bổ sung cụm từ “và khi được Quốc hội phê chuẩn” vào phần cuối cùng của Khoản 2. Vì Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân và cũng là quyền lực Nhà nước cao nhất ở nước ta. Do đó, chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế quyền công dân, quyền con người vì lý do quốc phòng - an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Có như vậy, quyền con người, quyền công dân mới thực sự đúng nghĩa dân chủ. Còn đối với những trường hợp phạm pháp là ngoại lệ, vì đã có các cơ quan chức năng có thẩm quyền tước bỏ hoặc hạn chế quyền công dân đối với những đối tượng này.

* Ở Khoản 2, Điều 37 (sửa đổi, bổ sung Điều 73) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: 2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định. Tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung ở vế thứ nhất của khoản này. Nhưng nội dung ở vế thứ hai thì theo tôi là chưa ổn, vì chưa chuẩn về ngôn ngữ. Hiến pháp là đạo luật mẹ, hay còn gọi là đạo luật gốc, nên ngôn ngữ cần phải dễ hiểu và mang tính đại chúng. Có như vậy thì ai cũng hiểu và dễ dàng trong thực thi. Thế nhưng ngôn ngữ trong vế thứ hai của khoản này dễ làm cho người nghe, người đọc khó hiểu vì không rõ luật định là gì? Do đó, tôi đề xuất ở đây cần ghi rõ là do “pháp luật quy định”. Như vậy, vế thứ hai của Khoản 2, Điều 37 cần được bổ sung và viết lại như sau: Việc khám xét chỗ ở do pháp luật quy định.

* Ở Khoản 2 và 3 của Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nội dung như sau: 2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. 3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đúng, chưa đầy đủ về quyền của người có quyền sử dụng đất. Hơn nữa, ngay trong nội dung của Khoản 2 còn có sự mâu thuẫn nhau. Cụ thể, ở đầu Khoản 2 có quy định khái niệm là: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất”, nhưng ở cuối của khoản này trong dự thảo lại sử dụng khái niệm “người sử dụng đất”. Như vậy, chính xác hơn là ở đầu của Khoản 2 phải viết là “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất”, chứ không phải “giao đất”. Và ở vế thứ 3 của Khoản 2 nói về quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân được Nhà nước bảo hộ, với nội dung như sau: Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Nếu quy định như vậy thì chỉ có quyền sử dụng đất mới là quyền tài sản và mới được Nhà nước bảo hộ. Còn quyền không sử dụng đất, tức là người có quyền sử dụng đất nhưng họ không sử dụng, mà muốn chuyển quyền sử dụng đất bằng các hình thức, như: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thì không được Nhà nước bảo hộ hay sao? 

Ở nội dung của Khoản 3, theo tôi Nhà nước chỉ bồi thường khi thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng và chỉ thực hiện việc bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà thôi. Đối với các trường hợp cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì do nhà đầu tư tự thương lượng với người có quyền sử dụng đất. Đồng thời, ở đầu của Khoản 3 cần bổ sung cụm từ “quyền sử dụng” vào sau cụm từ “Nhà nước thu hồi”. Vì cá nhân, tổ chức chỉ được giao hoặc công nhận quyền sử dụng đất nên phải dùng từ “quyền sử dụng đất” mới phù hợp với Luật Dân sự.    

Hòa Bình (Phú Riềng)

  • Từ khóa
108242

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu