Thứ 5, 09/05/2024 16:45:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 07:59, 11/08/2013 GMT+7

Phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Chủ nhật, 11/08/2013 | 07:59:00 98 lượt xem

* Tại khoản 1 Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73) viết: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Tôi đề nghị thay cụm từ “bất khả xâm phạm” bằng “được tôn trọng”. Như vậy, Khoản 1, Điều 23 sẽ được sửa lại như sau: “Mọi người có quyền được tôn trọng về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

* Điều 19 (sửa đổi, bổ sung Điều 75) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam (Khoản 1). Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Theo tôi, viết như vậy là đầy đủ, hợp lý về mặt nội dung. Ở đây tôi xin đóng góp ở khía cạnh sử dụng từ ngữ. “Định cư” là từ Hán Việt có nghĩa là ở một chỗ nhất định, nói cách khác là ổn định chỗ ở (trái nghĩa với “du cư” là thường xuyên thay đổi chỗ ở). Người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều thành phần, mục đích khác nhau như sinh sống, học tập, làm việc... có người sẽ ở nước ngoài vĩnh viễn, có người ở có thời hạn nhất định cho nên nếu sử dụng từ “định cư” là chưa đầy đủ và nên bỏ đi. Khi diễn đạt “Người Việt Nam ở nước ngoài” là đã bao hàm toàn diện các thành phần. Tôi đề nghị sửa Khoản 1, Điều 19 lại như sau: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Ở Khoản 2, tôi đề xuất bổ sung từ “mọi” và cụm từ “thuận lợi” vào trước và sau cụm từ “điều kiện” để nhấn mạnh và tăng tính thuyết phục. Đồng thời bỏ cụm từ “định cư” như ý kiến đã nêu tại Khoản 1 và bổ sung từ “mối” vào trước cụm từ “quan hệ”. Khoản 2 sẽ được viết lại như sau: “Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

* Điều 69 (sửa đổi, bổ sung Điều 44) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định”. Tôi đề nghị bổ sung cụm từ “vững chắc” vào trước cụm từ “Tổ quốc Việt Nam” để nhấn mạnh mục tiêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay; bổ sung cụm từ “và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế” vào trước cụm từ “để bảo vệ vững chắc Tổ quốc”. Vì trên thực tế, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta không chỉ “phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước” mà còn phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Như vậy, Điều 69 sẽ được viết lại như sau: “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định”.

* Điều 111 (sửa đổi, bổ sung Điều 136) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Viết như vậy là đúng nhưng cách diễn đạt còn trùng lắp. Tôi đề nghị bổ sung từ “và” vào sau cụm từ “cá nhân tôn trọng” đồng thời bỏ dấu “chấm phẩy” và cụm từ “cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải”. Theo phương án này, Điều 111 sẽ được sửa lại như sau: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành”.

Quỳnh Liên (TX. Bình Long)

  • Từ khóa
108238

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu