Thứ 5, 09/05/2024 19:14:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 17:16, 02/08/2013 GMT+7

Tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật

Thứ 6, 02/08/2013 | 17:16:00 444 lượt xem

Tại Khoản 1 và 2, Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như trên là chưa  trúng, chưa đúng và chưa phù hợp với thực tế của xã hội hiện nay. Vì ngày nay trong xã hội không chỉ có những người mang giới tính nam hoặc giới tính là nữ, mà còn có người chưa rõ giới tính hoặc người chuyển đổi giới tính. Do đó, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp không nên quy định cụ thể chỉ có giới tính nam và giới tính nữ, mà nên dùng một từ bao hàm được cả các giới tính trong xã hội, đồng thời không phân biệt nam hay nữ hoặc người chưa rõ giới tính.

Do đó, tôi đề xuất ở Khoản 1 của Điều 27 cần được bổ sung từ “mọi” trước cụm từ “công dân”, bỏ cụm từ “Nam, nữ” và thay vào đó là từ “đều”. Đồng thời, bổ sung cụm từ “trước pháp luật” vào sau cụm từ “bình đẳng”. Xuất phát từ quan điểm này, ở Khoản 2, Điều 27 tôi đề nghị bổ sung từ “các” vào trước cụm từ “công dân” và bỏ cụm từ “nữ và nam”. Như vậy, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 27 được viết lại như sau: 1. Mọi công đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa các công dân trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

Tại khoản 1, Điều 33 (sửa đổi, bổ sung Điều 58) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58. Nội dung của khoản này là quy định về quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất… Nhưng theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đúng, chưa chặt chẽ, cụ thể là quy định về quyền của công dân đối với đất đại. Vì, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, người dân được Nhà nước giao quyền sử dụng.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật hiện nay thì dù là đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp… thì cũng đều do Nhà nước giao cho người dân sử dụng. Do đó, trong dự thảo quy định rằng: “Đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58” là không ổn, không phù hợp với pháp luật hiện hành. Vì, Nhà nước không giao đất mà là giao quyền sử dụng đất. Xuất phát từ quan điểm này, tôi đề nghị ở Khoản 1, Điều 33 cần được lược bỏ cụm từ “đất được Nhà nước giao sử dụng” và thay vào đó bằng cụm từ “quyền sử dụng đất”. Nhưng vậy, Khoản 1, Điều 33 được viết lại như sau: 1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với quyền sử dụng đất thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58.

Điều 34 (sửa đổi, bổ sung Điều 57) trong Dự thảo sử đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những điều ngắn nhất, với nội dung như sau: 1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy như trên là chưa chuẩn xác, dễ bị hiểu lầm và một khi đã hiểu lầm thì việc thực thi chắc chắn sẽ không đúng, thậm chí có nguy cơ gây hại cho người thực thi và cộng đồng. Tôi hoàn toàn đồng ý là mọi người đều có quyền tự do kinh doanh. Một xã hội, một quốc gia muốn tồn tại và phát triển thì không thể thiếu hoạt động kinh doanh. Và kinh doanh là quyền chính đáng của công dân. Tuy nhiên, cái quyền ấy phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, do Nhà nước mà người đó đang sống. Tức là không ai được phép tự do kinh doanh mà bất chấp cả pháp luật, hoặc kinh doanh cả mặt hàng hay ngành nghề mà nhà nước nghiêm cấm.

Hơn nữa, trên thế giới hiện nay không một quốc gia hay dân tộc nào lại bảo hộ cho hành vi kinh doanh trái pháp luật hoặc kinh doanh những mặt hàng, những ngành nghề bị cấp hay có hại cho cộng đồng, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Do vậy, tôi đề nghị ở cuối Khoản 1 của Điều 34 cần bổ sung cụng từ “theo quy định của pháp luật” và ở cuối Khoản 2 bổ sung cụm từ “đúng pháp luật”. Như vậy, điều 34 sẽ được viết lại như sau: 1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh đúng pháp luật.                                      

Nhật Minh (Bù Na, Bù Đăng)

  • Từ khóa
108236

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu