Thứ 5, 09/05/2024 18:28:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 15:17, 02/07/2013 GMT+7

Sự khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân

Thứ 3, 02/07/2013 | 15:17:00 901 lượt xem

* Tại Khoản 2, Điều 7 (sửa đổi, bổ sung Điều 7) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Theo tôi quy định như vậy là hợp lý nhưng còn chung chung. Cử tri là những người đại diện cho nhân dân bầu ra các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Thế nhưng, việc xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu có) chủ yếu lại do Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định (như trường hợp bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội khóa XIII đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An). Việc cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền bãi nhiệm đại biểu nhưng điều này rất phức tạp, khó thực hiện (không khả thi). Tôi đề nghị sửa lại như sau: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vi phạm pháp luật, tư cách đạo đức, lối sống, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân sẽ bị Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét bãi nhiệm chức vụ”.

* Khoản 1, Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) trong dự thảo nhấn mạnh: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, con người và công dân là hai khái niệm khác nhau nên quyền con người và quyền công dân không thể là một. Con người là khái niệm rộng, bao hàm trong đó khái niệm công dân. Nếu diễn đạt theo ngôn ngữ triết học thì “Mọi công dân đều là con người nhưng không phải mọi người đều là công dân”. Công dân Việt Nam là những người có quốc tịch Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên và có đủ năng lực hành vi dân sự. Thế nhưng tại nhiều điều ở Chương II của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn có sự “nhầm lẫn, đồng nhất” hai khái niệm này. Khoản 1, Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52) viết: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Khẳng định điều này là thiếu chính xác. Tôi xin đưa ra một ví dụ: A và B đều phạm tội với tính chất, mức độ và khung hình phạt như nhau (cao nhất là tử hình). Tại thời điểm phạm tội, A 35 tuổi, còn B mới 17 tuổi. Vì vậy, tòa án chỉ có thể tuyên mức án tối đa đối với bị cáo B là 18 năm tù, trong khi bị cáo A phải nhận mức án tử hình. Như vậy sao gọi là bình đẳng được? Tôi đề nghị giữ nguyên như Điều 52, Hiến pháp năm 1992: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

* Trong khi đó, Điều 24 (giữ nguyên Điều 68) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Quy định như trên thì những người chưa có quyền công dân sẽ phải “ngồi một chỗ”, không được tự do đi lại!? Tôi đề nghị dùng khái niệm mọi người thay thế khái niệm công dân ở Điều 24 này “Mọi người có quyền tự do đi lại...”.

* Khoản 1, Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63) trong dự thảo viết: “Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Thế nhưng tại Khoản 3, Điều 27 lại thể hiện sự thiếu nhất quán khi quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”. Cũng như khái niệm con người, khái niệm giới rộng và bao hàm trong đó cả công dân nam và công dân nữ. Từ mọi mặt cũng đã bao hàm trong đó chính trị, dân sự, kinh tế... Vì vậy, tôi đề nghị bỏ bớt “Công dân... mọi mặt...”. Khoản 1, Điều 27 sẽ còn lại như sau: “Nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”.

* Tương tự như vậy, ở Khoản 2, Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người”. Quy định như vậy mang tính bao hàm, dẫn đến thừa từ ngữ. Theo tôi nên sửa khoản này theo một trong hai phương án. Phương án một, bỏ “tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác”. Theo phương án này, Khoản 2, Điều 22 sẽ còn lại “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người”. Phương án hai, bỏ “hay bất kỳ hình thức đối xử khác”, khẳng định rõ “Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người”.

Nguyễn Hoài Bảo
(Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long)

  • Từ khóa
108227

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu