Thứ 5, 09/05/2024 14:28:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 10:13, 30/05/2013 GMT+7

Quyền được sống nhưng phải tôn trọng pháp luật

Thứ 5, 30/05/2013 | 10:13:00 112 lượt xem

* Trong nội dung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 21 có nội dung hoàn toàn mới và là điều ngắn nhất, với 5 từ như sau: Mọi người có quyền sống. Và chính nội dung của điều này đã thể hiện rõ sự tiến bộ so với Hiến pháp hiện hành, vì đây là lần đầu tiên Hiến pháp của nước ta quy định về quyền sống của công dân. Tuy nhiên, nội hàm của điều này có hai vấn đề cần được bàn thảo. Thứ nhất là theo đúng nghĩa quy định: Mọi người có quyền sống, tức là mọi người đều có quyền được sống trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, cũng có nghĩa là không bị giết, không bị tử hình dù vi phạm bất cứ tội phạm gì. Như vậy, quy định trên xem ra có sự mâu thuẫn với khung hình phạt tử hình được quy định trong Luật Hình sự hiện hành.

Thứ hai là ai cũng biết đối với mỗi con người thì quyền được sống là quyền cơ bản nhất, quyền tối thượng của con người nên nó phải được tôn trọng và bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, nếu muốn được như vậy thì quyền sống của mỗi người phải được mọi người xung quanh tôn trọng một cách tuyệt đối. Nói một cách khác là quyền sống của mỗi người phải bảo đảm được bằng nghĩa vụ của những người xung quanh tôn trọng quyền sống đó, vì mọi người xung quanh tôn trọng quyền sống đó thì quyền sống ấy mới được bảo đảm. Do đó, một khi Hiến pháp đã hiến định quyền sống của mỗi người thì cũng cần có cơ chế bảo vệ quyền sống đó (tức là buộc mỗi người phải tôn trọng quyền sống của người khác).

Để đảm bảo quyền đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm và có cơ chế bảo vệ nó, tôi đề xuất ở điều này bổ sung nội dung “Mọi hành vi xâm phạm đến quyền sống đều bị nghiêm trị theo pháp luật” vào sau cụm từ “quyền sống”. Đây là chế tài nhằm bảo vệ quyền sống của mỗi công dân. Đồng thời, sau cụm từ “Mọi hành vi xâm phạm đến quyền sống đều bị nghiêm trị theo pháp luật” cần bổ sung nội dung: “trừ trường hợp phạm tội và bị tòa án phạt tử hình”. Như vậy, Điều 21 được viết lại như sau: Mọi người có quyền sống. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền sống đều bị nghiêm trị theo pháp luật, trừ trường hợp phạm tội và bị tòa án phạt tử hình.

 * Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) có quy định như sau: 1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc. 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật. Theo tôi thì quy định như trên là chưa hợp lý. Vì đã được sinh ra làm người trong điều kiện bình thường về sức khỏe, thì ai ai cũng có nhu cầu được làm việc. Tuy nhiên, trong xã hội không phải ai cũng có trình độ chuyên môn, năng lực như nhau, nên không thể làm việc giống nhau và có hiệu quả như nhau. Và thực tế cho thấy, vì cuộc sống nên có không ít người chấp nhận những công việc mà Nhà nước không khuyến khích, thậm chí là ngăn cấm, như: Bán hàng rong, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để bán hàng, khai thác khoáng sản trái phép,... Vì vậy, nếu quy định “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc” thì những việc làm, nơi làm việc bất hợp pháp cũng đều phải được Nhà nước chấp nhận và không ngăn cấm.

Hơn nữa, hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn không ít trường hợp người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, dễ bị tai nạn, dễ gây bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động không quan tâm nên không có biện pháp bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Vì vậy, tôi đề xuất sửa đổi nội dung của Điều 38 theo hướng như sau: ở Khoản 1 cần bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào phần cuối của khoản này. Ở Khoản 2 cần bổ sung cụm từ “Nhà nước có chính sách khuyến khích làm việc hợp pháp và” vào trước cụm từ “nghiêm cấm”. Đồng thời, bổ sung thêm Khoản 3 (mới), với nội dung như sau: 3. Người sử dụng lao động phải có biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động khi làm việc. Như vậy, Điều 38 được viết lại như sau: 1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước có chính sách khuyến khích làm việc hợp pháp và nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật. 3. Người sử dụng lao động phải có biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động khi làm việc. 

* Tại Khoản 1, Điều 62 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 40): 1. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.

Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát và việc sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong trồng, chế biến thực phẩm... dẫn đến số người mắc các bệnh hiểm nghèo, như: Ung thư, lao phổi kháng thuốc, nhiễm HIV/AIDS, cúm A H5N1, H7N9 và nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm khác thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân là do người dân không được trang bị đầy đủ kiến thức phòng bệnh, việc ăn uống sinh hoạt không hợp lý cộng với môi trường sống ô nhiễm nặng dẫn đến việc mắc các bệnh hiểm nghèo không chữa được. Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì Nhà nước cần có chính sách quan tâm chú trọng đến việc phòng ngừa các loại bệnh hiểm nghèo, đầu tư kinh phí thỏa đáng cho việc nghiên cứu, điều chế ra các loại thuốc đặc trị...

Xuất phát từ quan điểm này, tôi đề nghị ở Khoản 1, Điều 62 cần được bổ sung cụm từ “ưu tiên thực hiện chương trình phòng chống bệnh hiểm nghèo” vào trước cụm từ “chương trình chăm sóc”. Như vậy, Khoản 1, Điều 62 được viết lại như sau: Nhà nước ban hành chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình phòng chống bệnh hiểm nghèo, chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.   

Hoàng Kim (TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108215

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu