Thứ 5, 09/05/2024 13:17:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:50, 13/08/2019 GMT+7

Chung tay bảo vệ nguồn lợi hải sản

Thứ 3, 13/08/2019 | 14:50:00 89 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, tàu đánh cá của ngư dân các địa phương ven biển đã phải nằm bờ ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn lợi hải sản đã bị khai thác quá mức, các chuyến đi biển của ngư dân thua lỗ do ít cá. Các chuyên gia cho rằng, nguồn lợi hải sản vùng biển nước ta đang trên đà suy giảm, đặc biệt là nguồn lợi hải sản ven bờ, vùng mà các đàn cá sẽ di chuyển vào khi đến mùa sinh sản. Nếu không có giải pháp quyết liệt từ cơ quan chức năng thì sẽ cạn kiệt nguồn lợi hải sản.

TỪ CÁC NGUYÊN NHÂN

Mặc dù các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp của ngư dân vẫn diễn ra phổ biến trên các vùng biển nước ta. Người dân vẫn còn hoạt động các nghề xâm hại nguồn lợi như nghề te, xiệc điện, xung điện, giã cào ở vùng biển ven bờ và vùng lộng. Không ít tàu cá dùng ngư cụ kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định như chụp mực, lừ xếp, đăng, đáy, mành, lưới kéo... để đánh bắt. Tình trạng khai thác vào các vùng cấm, đánh bắt cả những con nhỏ khá phổ biến với hầu hết các loài ở biển, dẫn tới nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm và lãng phí tài nguyên. Bên cạnh đó, quá trình lấn biển cũng góp phần làm suy giảm một số hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển. Hoạt động này đã khiến nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt do đất đá vùi lấp, nhiều loài bị mất nơi cư trú, mất nguồn thức ăn, nơi sinh sản. Một lượng lớn cá thể bị chết, kéo theo chuỗi dinh dưỡng trong các hệ sinh thái bị xáo trộn. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu dẫn đến các hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn suy giảm độ phủ và diện tích so với trước đây... cũng là nguyên nhân làm suy giảm nguồn hải sản.

Đánh cá ven bờ không theo khuyến cáo của ngành chức năng là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn hải sản - Ảnh: Sỹ Hòa

Người dân bất chấp các quy định, vi phạm pháp luật trong khai thác đánh bắt hải sản nhưng lực lượng tuần tra, kiểm soát lại thiếu. Nhiều địa phương không có tàu đi tuần tra, thiếu phương tiện kỹ thuật, kinh phí tàu chạy, một số địa phương không thể kiểm tra hết được vùng biển do họ quản lý. Nguồn nhân lực cho công tác quản lý khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng rất hạn chế. Việc xử phạt vi phạm khai thác biển ở nhiều nơi chưa nghiêm, vẫn có tâm lý thương ngư dân nên dẫn đến tình trạng lờn luật. Đây chính là những tồn tại dẫn tới nguồn lợi hải sản trên các vùng biển nước ta ngày càng suy giảm, lãng phí tài nguyên, là nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản.

BẢO VỆ NGUỒN LỢI HẢI SẢN

Đến nay, những quy định pháp luật về bảo vệ nguồn lợi hải sản đã được Nhà nước ban hành khá đầy đủ và chặt chẽ. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2019, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, xác định rõ vấn đề bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản là lâu dài và trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội.

Theo đó, để tập trung bảo vệ nguồn thủy sản, cơ quan chức năng sẽ ban hành quy định vùng, khu vực cấm khai thác và thực hiện cấm tuyệt đối những khu vực hải sản tập trung sinh sản, hoặc khu vực sinh sống của thủy sản còn non. Một biện pháp rất quan trọng là phải kiểm tra tại các cảng cá, nếu bắt cá nhỏ hơn quy định, không có giấy phép thì sẽ xử lý nghiêm. Một số nghề, phương tiện đánh bắt hải sản phải cấm tuyệt đối, ví như nghề kéo và những nghề mang tính chất hủy diệt. Theo dự kiến của cơ quan quản lý, trong thời gian tới sẽ cấm nghề lưới kéo vùng ven bờ đến vùng lộng. Đầu tiên là sẽ cấm 1 tháng sau đó tăng lên trong thời gian mùa cá sinh sản từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm. Cùng với đó, có thể cấm khai thác các loài, cấm khu vực và thời gian cấm khai thác. Khu vực cấm khai thác và các khu bảo tồn ngư dân cũng phải tuyệt đối chấp hành đúng quy định. Việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh để nhận thức người dân thay đổi và phải thấy giá trị của nguồn lợi thủy sản chính là cuộc sống, sinh kế của gia đình mình hiện tại và cả mai sau. Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương ven biển cũng đã nghiên cứu hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ các nghề khai thác xâm hại sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường. Ngư dân sẽ được đào tạo tham gia các hoạt động như: nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần hoặc một công việc khác tùy theo điều kiện từng vùng. Ngoài ra, sẽ có những chính sách như tín dụng ưu đãi, có nguồn thu nhập thay thế, tạo việc làm mới hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.

Hải sản có tầm quan trọng đặc biệt nên khi nguồn lợi bị suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của không chỉ ngư dân mà đối với cả nền kinh tế của đất nước. Dù nguồn lợi hải sản là nguồn tái tạo, có khả năng phục hồi tương đối nhanh ở vùng biển nhiệt đới, nhưng nếu quá cạn kiệt sẽ không có cơ hội để phục hồi. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng chiến lược, hướng tới hoạt động khai thác bền vững, giảm sản lượng khai thác tầng đáy, tăng sản lượng khai thác tầng nổi và khai thác sâu hơn với nhóm mực, bạch tuộc, cá nục, cá sòng đối với toàn vùng biển và điều chỉnh số lượng tàu đánh bắt ngoài khơi. Ngoài ra, với tầm nhìn xa hơn, Tổng cục Thủy sản sẽ quy hoạch và hình thành các khu bảo vệ nguồn giống thủy sản tại một số bãi đẻ, bãi nuôi ương, tích cực cải thiện và tăng nguồn lợi thủy sản.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111418

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu