Thứ 6, 10/05/2024 01:43:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:29, 06/08/2019 GMT+7

Việt Nam với Công ước về Luật Biển 1982

Thứ 3, 06/08/2019 | 14:29:00 259 lượt xem
BP - Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (United Nations Convetion on the Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS), năm 1982, được thông qua ngày 30-4-1982 và có hiệu lực thi hành từ ngày 16-11-1994. Năm 2019 đánh dấu 25 năm Việt Nam phê chuẩn và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn UNCLOS tới Ban Thư ký Liên hợp quốc (27-7-1994 - 27-7-2019). Cùng với Công ước Luật Biển năm 1982 (Công ước), Việt Nam cũng gia nhập các hiệp định thực thi Công ước, bao gồm: Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa...

Vài nét về UNCLOS

Công ước Luật Biển năm 1982 được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương”, gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật. UNCLOS quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác, quản lý biển và đại dương. Công ước Luật Biển năm 1982 có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong đời sống pháp luật quốc tế hiện nay. Văn kiện này đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền, nghĩa vụ của các quốc gia và xử lý vấn đề liên quan đến biển, đại dương.

Ngư dân Bình Thuận sửa chữa dụng cụ đánh bắt cá chuẩn bị vươn khơi - Ảnh: Sỹ Hòa

Công ước Luật Biển năm 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện, điều chỉnh quyền, nghĩa vụ của tất cả quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau. Công ước đã đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển, căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển.Công ước Luật Biển 1982 yêu cầu các quốc gia thành viên phải chấp thuận sự điều chỉnh cả gói (package deal) và không cho phép bảo lưu bất kỳ điều khoản nào, ngoại trừ những tuyên bố cụ thể theo quy định của Công ước. 

Theo quy định tại Phần XV của Công ước, khi phát sinh tranh chấp, các quốc gia cần giải quyết một cách hòa bình, bằng các biện pháp do các bên lựa chọn như đối thoại, đàm phán, hòa giải... Nếu các biện pháp này không đem lại giải pháp, các bên có thể đưa tranh chấp ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS, là cơ quan được thành lập bởi Công ước) hoặc tòa trọng tài, tòa trọng tài đặc biệt. Phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, đặc biệt là ITLOS và tòa trọng tài góp phần giải thích các quy định của Công ước, loại bỏ sự mơ hồ có thể bị lợi dụng để biện minh cho các yêu sách và hành động sai trái. Điều này giúp duy trì trật tự trên biển, bảo vệ mọi hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp và hòa bình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.

Việt Nam thực thi nghĩa vụ theo UNCLOS

Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng 1 triệu kilômét vuông gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.Theo đó, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.260km với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982 và có nhiều nỗ lực trong thực thi Công ước. Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện Công ước.

Từ trước khi Công ước Luật Biển năm 1982 ra đời, Việt Nam đã vận dụng các quy định của pháp luật quốc tế liên quan để xây dựng văn bản pháp luật trong nước về biển. Năm 1977, Việt Nam ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam”, trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Tuyên bố này được đưa ra khi Công ước Luật Biển 1982 đang được xây dựng, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật Biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa tiến bộ luật biển quốc tế.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong thực thi UNCLOS, kể từ khi chấp nhận sự ràng buộc và trở thành một quốc gia thành viên của Công ước 25 năm trước. Căn cứ các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã ban hành các đạo luật về biển, đồng thời triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý, phục vụ phát triển đất nước. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp ngăn chặn tội phạm trên biển, góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Công ước.

Trong những năm gần đây, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tuân thủ Công ước Luật Biển 1982, vận dụng Công ước để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tôn trọng lợi ích của các nước liên quan. Việt Nam hy vọng các quốc gia trong khu vực biển Đông sớm cụ thể hóa các quy định của Công ước, hình thành một bộ luật ứng xử của các bên tại biển Đông góp phần vào hòa bình, ổn định phát triển bền vững ở khu vực và thế giới. (*)

Đức Hồng (*) Bài viết sử dụng nguồn TTXVN

  • Từ khóa
111417

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu