Chủ nhật, 12/05/2024 03:02:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 15:05, 21/08/2023 GMT+7

Mạch nguồn hun đúc nguyên khí

Thứ 2, 21/08/2023 | 15:05:16 1,650 lượt xem

Trần Phương

BPO - “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Đó là câu đầu tiên trong văn bia tiến sĩ đầu tiên được dựng lên ở Văn miếu Quốc Tử Giám, năm 1484. Triết lý bất hủ ấy do học sĩ Thân Nhân Trung nêu lên cách đây đã hơn 500 năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn hiện diện trong đời sống. Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành ngày 31-7-2023 là một minh chứng.

Thu hút nhân lực, trọng dụng nhân tài - quốc gia nào, thời đại nào cũng là một chủ trương quan trọng và thường xuyên được nhắc đến, triển khai thực hiện. Điều đó như chân lý “Mặt trời mọc ở đằng Đông”. Xuyên suốt lịch sử nhân loại, đi ngược triết lý ấy, không quốc gia, địa phương, tập thể, doanh nghiệp nào không ngày một tàn lụi. Bởi đơn giản, không thể cạnh tranh, phát triển được với ai, khi nhân lực chất lượng cao, khi người tài bị bỏ xó.

Thời điểm quan trọng như bước vào cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, việc thu hút nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài càng quan trọng hơn. Vì đây là thời điểm tạo ra sự đột phá, là thời cơ rút ngắn khoảng cách với người đi trước, bứt phá với người đi sau. Không có nhân lực trình độ cao, không có nhân tài sẽ không những không rút ngắn, bứt phá được mà còn bị bỏ lại với khoảng cách lớn hơn. Ở cấp độ quốc gia, hay hẹp hơn là phạm vi địa phương, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cũng như thế.  

Chính sách xuyên suốt

Một quốc gia cường thịnh như nước Mỹ, những tưởng không cần chính sách đặc biệt, không cần thu hút thì nhân tài cũng kéo nhau tới lập nghiệp. Thế nhưng nhiều thập kỷ qua, Mỹ vẫn liên tục có các chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài để duy trì sự cường thịnh đó. Chính sách nhập cư của Mỹ cũng liên tục được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm và theo hướng nới lỏng quy định với những người có trình độ chuyên môn cao. Như đối với diện làm việc, chính sách định cư của Mỹ chia làm nhiều loại Visa với các mức ưu tiên khác nhau. EB1 là loại được ưu tiên nhất dành cho những người có khả năng đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học… EB2 dành cho những người có trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học... EB3 dành cho những người có chuyên môn, có ngành nghề như kỹ sư, bác sĩ...

Ở Việt Nam, Đại hội XIII năm 2021, Đảng ta xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt … gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…”. Đại hội XI năm 2011, Đảng ta xác định: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”.

Tại các kỳ đại hội, Đảng ta luôn nhấn mạnh, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như thế. Và những kỳ đại hội gần đây, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn được xác định là một trong những đột phá của chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Cụ thể hóa chủ trương ấy, Quyết định số 899/QĐ-TTg vừa ban hành và nhiều nghị quyết, quyết định ban hành trước đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều chính sách thu hút nhân lực, trọng dụng nhân tài tương tự. 

Các địa phương, đơn vị trong cả nước cũng thường xuyên ban hành chính sách ở cấp độ địa phương, đơn vị mình. Tại Bình Phước, tháng 11-2022, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 395/TB-UBND về thu hút nguồn nhân lực ngành y tế năm 2022; tháng 10-2021, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 482/TB-UBND về chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế; tháng 5-2019, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 129/TB-UBND thu hút nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tháng 12-2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh…

Hậu quả khi đi ngược chiến lược quốc gia 

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dân tộc Việt Nam cũng luôn đề cao, khuyến khích và sản sinh ra nhiều nhân tài, tạo ra đội ngũ nhân lực mũi nhọn chất lượng cao, trở thành động lực lớn cho phát triển quê hương, đất nước. Ngày nay, chủ trương ấy tiếp tục xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã đạt những thành công nhất định. Thế nhưng số không thành công, hiệu quả thấp cũng khá nhiều. Điều này không khó hiểu, bởi thu hút được nhân lực chất lượng cao về làm việc đã khó, giữ chân được họ càng khó hơn, khi không dễ bố trí công việc, chế độ đãi ngộ, môi trường sống, đặc biệt là môi trường làm việc khó tương xứng.

“Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. 

Đó là trích nội dung trong bài Nhân tài và kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 14-11-1945. Lời văn giản dị, dễ hiểu, song thực tiễn cùng kết quả mang lại từ việc đánh giá, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một tầm vóc không ngôn ngữ nào diễn đạt được. Đó cũng là bài học vô cùng sâu sắc, đến nay vẫn còn nóng tính thời sự.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế đó. Như mỗi địa phương, đơn vị, địa bàn có sức hấp dẫn khác nhau, chính sách thu hút khác nhau, điều kiện kinh tế, môi trường làm việc, văn hóa khác nhau... Song cũng có một nguyên nhân hiếm khi được đề cập. Đó là chủ trương ban hành rất tốt, nhưng ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương không tạo điều kiện và trọng dụng nhân lực chất lượng cao một cách thật sự. Thay vào đó, vì cục bộ, vì “tìm người nhà chứ không cần người tài”; vì “một người làm quan cả họ được nhờ”; vì dọn ổ cho vây cánh, người thân, dòng họ… nên nhiều trường hợp đã tìm đủ mọi cách lạng lách sao cho vẫn “đúng quy hoạch”, “đúng quy trình” đề bạt, bổ nhiệm, giao dự án, đấu thầu... Thậm chí không ít trường hợp còn ngang nhiên vi phạm quy định của Đảng, bất chấp pháp luật của Nhà nước… 

Điều đó xảy ra, đồng nghĩa nhân lực chất lượng cao tất nhiên không được trọng dụng. Thậm chí họ còn bị vùi dập để dọn đường cho vây cánh. Không chỉ không thu hút được ai, mà ở cơ quan, đơn vị, tập thể, địa phương như vậy, nhân lực chất lượng cao cũng sẽ rời đi tìm chân trời mới.

Nhân lực chất lượng cao, hiền tài là mạch nguồn hun đúc nguyên khí quốc gia. Vì “vinh thân phì gia”, vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, không chỉ làm thui chột người có năng lực tốt, mà còn đi ngược với chiến lược quốc gia như Quyết định số 899/QĐ-TTg đã ban hành. Thế nên cá nhân, tổ chức, đơn vị nào đi ngược với chiến lược ấy, cần xử lý nghiêm mới góp phần cho chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài phát huy hiệu quả được.

  • Từ khóa
175535

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu