Chủ nhật, 12/05/2024 04:52:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:31, 17/08/2023 GMT+7

Những kẻ “lật sử”…

Thứ 5, 17/08/2023 | 10:31:13 1,558 lượt xem

Anh Tú

BPO - Đến hẹn lại lên, khi cả nước đang hân hoan tiến hành những hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công thì cũng là thời điểm các cá nhân, tổ chức chống phá đẩy mạnh hoạt động đơm đặt, xuyên tạc, bóp méo thông tin, đưa ra những đánh giá lệch lạc, sai trái về tính chất và ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.

Để có được nền hòa bình, độc lập như hiện nay, biết bao thế hệ cha ông ta đã phải hy sinh tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng để có được. Vì vậy, việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử cũng chính là hành động “uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi công lao, đóng góp của các bậc tiền nhân đi trước. Với sự kiện lịch sử Cách mạng tháng Tám, đây là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. 

Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá đất nước, các đối tượng “dân chủ” cố tình “đi ngược niềm vui của đất nước”. Chúng ra sức xuyên tạc, nhào nặn, bóp méo thông tin về Cách mạng tháng Tám. Một số kẻ ngáo ngơ cho rằng “sự thành công của Cách mạng tháng Tám là bởi ăn may”. Có kẻ lại rêu rao: “Đảng Cộng sản đang cố tình “cướp công” của nhân dân, dù không có Đảng thì quần chúng nhân dân cũng có thể tự đấu tranh để giành lại độc lập”. Một số kẻ khác lại “ngây thơ” tuyên bố “nhân dân Việt Nam đáng lẽ không cần phải đấu tranh vì với sự phát triển của thời đại, “mẫu quốc” sẽ tự động trả lại độc lập cho Việt Nam”. Trong khi đó, một số kẻ lại có suy nghĩ đớn hèn: “Nếu Việt Nam chấp nhận làm thuộc địa thì sẽ có sự giàu có, văn minh, dân chủ và phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc”… Đây rõ ràng là những luận điệu viển vông, hoang đường.

Ngược dòng thời gian, trước khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam đã phải sống trong cảnh nghèo khó, khốn cùng của một đất nước thuộc địa. Tính đến tháng 8-1945, nước ta đã phải chịu đựng xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong hơn 80 năm, ách thống trị của phát-xít Nhật trong gần 5 năm và sự ngự trị của chế độ phong kiến trong thời gian dài. Sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và phát-xít đã bào mòn người dân. Bởi vậy, không còn cách nào khác là nhân dân Việt Nam phải đứng lên để đấu tranh giành lại “quyền làm người”, “quyền được sống như một con người” cho chính bản thân mình. Nếu xã hội thực dân, phong kiến có thể mang lại “tự do”, “dân chủ”, giàu có, văn minh (như lời các đối tượng “dân chủ” rêu rao) thì chắc chắn các thế hệ cha ông ta đã không phải hy sinh xương máu để đánh đuổi. Việc phủ nhận lịch sử, phủ nhận sự hy sinh của các thế hệ cha ông là hành động “qua cầu rút ván” và không thể chấp nhận.

Trong thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu rõ, chỉ có sức mạnh của chính mình mới là yếu tố bền vững nhất để bảo vệ Tổ quốc. Sự thành công của Cách mạng tháng Tám xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh sự thuận lợi từ bối cảnh quốc tế với chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh trong cuộc chiến chống phát-xít, nguyên nhân quan trọng tạo lên thắng lợi này là bởi sức mạnh đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, không sợ hy sinh, gian khổ, quyết tâm giành độc lập, tự do của Đảng và nhân dân ta. Những ý kiến cho rằng, sự thành công của Cách mạng tháng Tám là do “ăn may” chỉ là những suy nghĩ tiểu nhược, đớn hèn của những kẻ “mù” lịch sử.

Sự thành công của Cách mạng tháng Tám đã giúp nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân, phát-xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Từ đây, đất nước và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, dã tâm xâm chiếm Việt Nam vẫn chưa được các thế lực thù địch từ bỏ. Sau Cách mạng tháng Tám, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn phải tiến hành chiến đấu để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Cho đến ngày nay, mưu đồ chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đã có nhiều thay đổi. Từ việc thực hiện chiến tranh xâm lược, các thế lực thù địch chuyển sang tiến hành “diễn biến hòa bình”, sử dụng tổng hợp các biện pháp phi vũ trang để tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong. Hành động núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc các sự kiện lịch sử chính là một trong những biểu hiện của “diễn biến hòa bình”. Bởi vậy, mỗi người dân Việt Nam cần luôn luôn tỉnh táo, kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, luận điệu sai trái về lịch sử dân tộc.

  • Từ khóa
175328

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu