Chủ nhật, 12/05/2024 16:38:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:24, 14/08/2023 GMT+7

Báo cáo phải đúng sự thật!

Thứ 2, 14/08/2023 | 08:24:59 905 lượt xem

Anh Tú

BPO - Cuối tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra bản “Báo cáo thường niên về nhân quyền - dân chủ trên thế giới năm 2022”. Đáng chú ý, trong bản báo cáo có nhiều thông tin sai lệch, không phản ánh đúng thực tế tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Việc các nước phương Tây và các tổ chức núp bóng dân chủ, nhân quyền đưa ra những báo cáo có nội dung sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam không phải điều mới lạ. Trong bản báo cáo mới được EU công bố, những luận điệu lệch lạc, không đúng thực tế tiếp tục được đưa ra như: “Những hạn chế đối với các quyền chính trị và dân sự ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra”, “không gian xã hội dân sự tại Việt Nam tiếp tục bị co hẹp lại”, “các nhà báo, bloggers và những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường tiếp tục bị bắt và truy tố theo những cáo buộc mơ hồ về vi phạm an ninh quốc gia hay trốn thuế”, “nhiều phiên tòa xét xử bất công”, “án tử hình tiếp tục được áp dụng theo cách thức thiếu minh bạch”, “quyền tự do báo chí bị hạn chế một cách nghiêm ngặt”… Rõ ràng, những thông tin được đưa ra đã không phản ánh chính xác, đầy đủ và toàn diện bức tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam!

Quyền dân tộc tự quyết là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng của luật pháp quốc tế. Theo đó, mỗi quốc gia có chủ quyền đều được tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội phù hợp với định hướng phát triển, truyền thống văn hóa và thực tế đời sống. Hiện nay, Việt Nam đang đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài lại cố tình xuyên tạc thể chế chính trị, hệ thống pháp luật cũng như thực tế đời sống xã hội của Việt Nam. Với cách nhìn phiến diện, họ cho rằng ở Việt Nam không có tự do, dân chủ, nhân quyền (?!) Bằng những thông tin sai lệch được đưa ra, họ tìm cách tác động, gây áp lực, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đòi Việt Nam phải “thả tự do” cho những kẻ bị kết án vì hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, phải sửa đổi một số quy định pháp luật, thậm chí là phải thay đổi chế độ chính trị… 

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một hệ thống pháp luật riêng để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Hệ thống pháp luật quốc gia phụ thuộc vào chế độ chính trị, truyền thống pháp lý, định hướng phát triển của đất nước… Dù ở quốc gia nào, pháp luật cũng luôn mang trong mình bản chất giai cấp, được xây dựng để bảo vệ lợi ích của giai cấp quản lý xã hội. Do đó, không thể có một mẫu số chung cho việc ban hành chính sách, pháp luật ở tất cả quốc gia. Tại Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Chính vì vậy, so với các nước tư bản (quyền lực nhà nước thuộc về giới tư sản) thì các chính sách, pháp luật được đưa ra có nhiều sự khác biệt. Dĩ nhiên, những quy định đưa ra nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân. Vậy nên, việc châu Âu hay bất kỳ quốc gia, tổ chức nào sử dụng “thước đo” của mình để đánh giá về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cũng là khập khiễng.

Phải khẳng định rõ, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, không có việc chính quyền “ngăn cản tự do ngôn luận”, “đàn áp người đấu tranh” như những gì báo cáo của EU và một số cá nhân, tổ chức đưa ra. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, kết án người vi phạm đều được thực hiện theo đúng quy định, với những điều luật rõ ràng. 

Thực tế, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã tích cực lợi dụng chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để thực hiện các hoạt động chống phá. Chúng đã lập trái phép nhiều trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội để tiến hành “chiến tranh tâm lý”, lan truyền các bài viết, video, hình ảnh có nội dung sai trái, vi phạm thuần phong mỹ tục, kích động hận thù, xuyên tạc sự thật, làm sai lệch lịch sử. Mục đích của những kẻ này là làm rối loạn xã hội; lừa dối, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin tham gia những hội, nhóm phi pháp, chuẩn bị lực lượng để gây rối, bạo loạn. Nguy hiểm hơn, những “mầm mống bất ổn” này lại nhận được sự đầu tư, giúp sức, hỗ trợ cả về vật chất, phương thức hoạt động lẫn chỗ dựa tinh thần từ các thế lực bên ngoài. Chính những điều này đã làm cho hoạt động chống phá được thực hiện một cách quyết liệt, manh động. Nhìn một cách rộng hơn, những năm qua, ở nhiều quốc gia đã diễn ra các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. Tất cả cuộc “cách mạng” này đều bắt nguồn từ các hội, nhóm “dân chủ”, “nhân quyền”. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhìn thấu những mưu mô, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Bởi vậy, để bảo vệ bình yên của Tổ quốc, giữ vững sự ổn định xã hội, Việt Nam kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền để thực hiện ý đồ xấu.

Nếu EU muốn đánh giá về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam thì cần có những nghiên cứu chính xác, khách quan. Chúng ta không phủ nhận có những mặt, khía cạnh nước ta cần cố gắng, nỗ lực hơn để thúc đẩy mạnh mẽ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, việc đánh tráo thông tin, “đổi quạ thành công”, coi những kẻ vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia là “nhà dân chủ”, “anh hùng nhân quyền” thì không thể chấp nhận. Và cũng xin nhắc lại, nhân dân Việt Nam là những con người yêu chuộng và khát vọng hòa bình. Trong lịch sử, chính những con người Việt Nam nhỏ bé đã sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để làm nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” giành lại quyền tự do, dân chủ cho mình. Bởi vậy, nếu Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền thì chính nhân dân Việt Nam sẽ đứng lên để đấu tranh giành lại chứ không cần sự ban phát, bố thí từ bên ngoài!

  • Từ khóa
175166

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu