Chủ nhật, 12/05/2024 11:59:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:43, 05/08/2023 GMT+7

“Ăn theo, nói hớt”

Anh Tú
Thứ 7, 05/08/2023 | 09:43:15 1,224 lượt xem
BPO - Lợi dụng việc Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều đối tượng xấu đã xuyên tạc thông tin, đưa ra những lập luận sai trái, quy chụp nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đại án chuyến bay giải cứu là một trong những vụ án “kinh điển” của lịch sử tố tụng nước ta. Đây là vụ án có số lượng bị can đông, đều là những người có vị thế xã hội, nhiều người giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, “nén bạc đã xé toạc lương tâm”, lợi dụng tình thế cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh, họ đã trục lợi trên khó khăn của đồng bào. Ai sai người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Đó là lẽ công bằng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng “dân chủ” lại đang lợi dụng vụ án để xuyên tạc thông tin, tạo cớ tấn công chính quyền. Chúng cho rằng: “Đại án chuyến bay giải cứu không chỉ do cán bộ biến chất mà do cả bộ máy hư hỏng”, “tham nhũng là bản chất của chế độ và sẽ không bao giờ có thể loại bỏ nếu Đảng cộng sản vẫn giữ quyền lãnh đạo”, “càng chống tham nhũng Đảng càng cho thấy sự bất lực”, “quốc nạn tham nhũng thì vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”…

Không phải đến thời điểm hiện tại, giới “dân chủ” mới đăng đàn “múa bút” xuyên tạc bản chất vụ án chuyến bay giải cứu. Ngay từ những “phát súng đầu tiên”, khi những cá nhân sai phạm bị các cơ quan tố tụng khởi tố, bắt tạm giam, các đối tượng xấu đã lợi dụng để xuyên tạc thông tin, tạo cớ tấn công chính quyền. Những kẻ này luôn cố chụp “cái mũ tham nhũng” lên chế độ ta. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ, nguồn cơn của tham nhũng trước hết là do sự tha hóa của cán bộ. Việc suy diễn cho rằng, chế độ ta làm nảy sinh tham nhũng là phiến diện, vô căn cứ, thể hiện cái nhìn thiển cận, lệch lạc. 

Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ tham nhũng là vấn đề đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Bởi vậy, không bao giờ Đảng ta đồng tình với tham nhũng, tiêu cực. Đảng luôn nhìn thẳng vào sự thật, không bao giờ tự “tô hồng” chính mình để “lừa dối người dân” như những gì các đối tượng xấu tô vẽ ra. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng luôn đánh giá một cách khách quan, toàn diện, phản ánh đúng tình hình thực tế. Trong báo cáo chính trị trình tại Đại hội XIII, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra: “Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa...”. Hơn ai hết, Đảng ta thừa hiểu nếu không “dẹp loạn tham nhũng”, nếu để những người “lòng dạ không trong sáng” lợi dụng chức quyền thì vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng sẽ bị lung lay, thậm chí là bị xóa bỏ. Chính vì vậy, Đảng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Một khi cán bộ đã “nhúng chàm” thì dù đó có là ai, giữ chức vụ nào cũng sẽ bị xử lý theo quy định.

Và cũng cần nói thẳng, các “nhà dân chủ” suy cho cùng cũng chỉ là những kẻ “ăn theo, nói hớt” không hơn không kém. Ai là người đưa đại án chuyến bay giải cứu ra ánh sáng? Nếu “tham nhũng là bản chất của chế độ”, nếu “tham nhũng không phải do cán bộ biến chất mà do cả bộ máy hư hỏng” thì liệu rằng vụ án này có được đưa ra xử lý hay không? Xin thưa, chính Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo làm rõ hành vi sai phạm của các cá nhân và đưa ra xét xử theo đúng quy định pháp luật. Tất cả những con số, dữ liệu được các “nhà dân chủ” sử dụng để thêu dệt thông tin đều là kết quả từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Vậy nhưng các “nhà dân chủ” dường như đang tự “nhận vơ” như thể chính mình là người phát hiện và chỉ ra sai phạm.

Tham nhũng là sự tha hóa của quyền lực, xâm phạm đến tài sản quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Chính bởi vậy, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là cuộc chiến “chống giặc nội xâm”. Để đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Sau 5 năm thực hiện, ngày 3-6-2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 05-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50. Trong đó, Đảng nêu rõ quan điểm chỉ đạo khi xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực là tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Đồng thời Đảng cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm, nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế. Với những quyết tâm, nỗ lực nêu trên, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng ở nước ta đang ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng lớn, phức tạp, liên quan đến các quan chức cấp cao được đưa ra xử lý đã góp phần răn đe, cảnh tỉnh nhiều người.

Những luận điệu xuyên tạc công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng ở nước ta của các đối tượng “dân chủ” là không thể chấp nhận. Đây là hành động đi ngược lại lợi ích chung của toàn dân tộc, thể hiện mưu đồ chống phá thâm hiểm.

  • Từ khóa
174399

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu