Chủ nhật, 12/05/2024 05:03:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:19, 31/07/2023 GMT+7

Những kẻ tráo trở

Anh Tú
Thứ 2, 31/07/2023 | 10:19:51 604 lượt xem
BPO - “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là những đạo lý được cha ông ta truyền lại từ bao đời. Tuy nhiên, có không ít kẻ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” lại sẵn sàng “vái giặc làm cha”, “rước voi về giày mả tổ”. Tráo trở hơn, chúng còn trắng trợn xuyên tạc những công lao, đóng góp của các thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước; xuyên tạc Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7). Đây là hành động không thể chấp nhận!

Suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn khắc ghi những hy sinh, đóng góp của các anh hùng, liệt sĩ - những người sẵn sàng hy sinh một phần máu thịt, thậm chí là cả tính mạng để bảo vệ Tổ quốc. Ngày thương binh - liệt sĩ hằng năm đã trở thành một ngày kỷ niệm quan trọng của dân tộc, là dịp để toàn dân tộc tri ân, tưởng nhớ về những hy sinh, mất mát, đau thương mà dân tộc đã phải trải qua. Dù ngày kỷ niệm đã trôi qua nhưng những luận điệu chống phá, xuyên tạc, phủ nhận bản chất, ý nghĩa của ngày 27-7 vẫn được các đối tượng xấu rêu rao.

Sự tráo trở của những “con buôn dân chủ”

Đến hẹn lại lên, khi cả nước đang tiến hành các hoạt động tri ân những anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh thì các “con buôn dân chủ” lại tráo trở tung ra các luận điệu xuyên tạc. Trên trang Tiếng dân news, các “loa làng dân chủ” đã tung ra nhiều bài viết có nội dung lệch lạc, xuyên tạc lịch sử. Đơn cử, trong bài đăng có tiêu đề “Về một ngày”, chúng cho rằng: “Thương binh, liệt sĩ là những người có công, dĩ nhiên phải được chăm chút, báo ơn, nhưng rầm rĩ quá lại thành sự khoét sâu nỗi đau của nhiều triệu người, cả triệu gia đình bên thua cuộc”. Chúng gán ghép cho rằng cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta là “cuộc nội chiến” và tung ra luận điệu: “Nhẽ ra đánh nhau xong thì thôi, nhất là với những cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, cần quên đau thương bi kịch đi để mà hòa hợp, xoa tay làm lành, nhưng thể chế này có vẻ không thích vậy”… Những luận điệu tương tự cũng được các “nhà bình loạn” đưa ra trong bài viết “Mặt thật sau tấm khiên Ngày thương binh - liệt sĩ” được RFA đăng tải. Cụ thể, chúng trắng trợn “lật sử”, cho rằng: “ở góc nhìn khác, có thể gây tranh cãi về chính trị nhưng lại rất chính danh, những người lính VNCH đã nằm xuống cũng xứng đáng trân trọng tôn vinh là liệt sĩ vì thực sự họ đã chiến đấu hy sinh vì đất nước, nhưng họ bị xem là ngụy”, “sản sinh ra ngày 27-7 vô nghĩa đó, nhà cầm quyền cố tình bóp méo lịch sử”…

Những thông tin, luận điệu được đưa ra là hết sức kệch cỡm, thô bỉ, sai sự thật. Chúng đang cố tình “bẻ cong” lịch sử. Anh hùng, liệt sĩ là những người có công đối với Tổ quốc. Ngược lại, những kẻ “nhận giặc làm cha”, “ngụy quân”, “ngụy quyền” thì không bao giờ xứng với hai từ “anh hùng”, “liệt sĩ”. Bằng những luận điệu “lập lờ đánh lận con đen”, các đối tượng xấu đang “đổi trắng thay đen”, xuyên tạc về bản chất của cuộc chiến tại Việt Nam. Nói thẳng, những gì mà Việt Nam đã trải qua chưa bao giờ là “nội chiến”. Cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã thực hiện là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chủ trương thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc. Đây là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, sự hòa hợp, hòa giải phải bắt nguồn từ thiện chí của tất cả các bên chứ không phải bắt nguồn từ việc phủ nhận, xuyên tạc lịch sử. Không ai có quyền đánh đồng sự hy sinh của các thế hệ cha ông với hành động phá hoại hòa bình của những kẻ “bán nước cầu vinh”. Công là công và tội là tội, đừng hòng “đánh lái”! Thực chất, phía sau các luận điệu nêu trên là mưu đồ tấn công, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng của thế hệ hôm nay, nhất là với những người trẻ.

Không thể phủ nhận truyền thống của dân tộc

Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 500.000 thân nhân liệt sĩ, gần 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế… Không chỉ trong chiến tranh, ngay trong thời bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ vẫn đổ máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo đời sống của các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh. Việc tổ chức kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, “uống nước nhớ nguồn” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì bình yên Tổ quốc. Đồng thời, đây cũng là dịp để thế hệ hôm nay tưởng nhớ, tri ân, khắc ghi truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà cha ông đã chọn.

Victor Hugo nêu rõ: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Tương tự, Robert A Heinlein cũng khẳng định: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ và cũng không có tương lai”. Hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam luôn hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập. Để có cuộc sống như hiện nay, biết bao thế hệ cha ông đã phải hy sinh thân mình. Việc nhìn lại lịch sử, khắc ghi lịch sử là để thêm trân trọng những giá trị của hiện tại. Những hành động phủ nhận, xuyên tạc ý nghĩa ngày 27-7 là đã xúc phạm đến truyền thống, lịch sử dân tộc cũng như tình cảm của mỗi người dân yêu nước.

  • Từ khóa
174002

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu