Chủ nhật, 12/05/2024 14:45:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:03, 22/07/2023 GMT+7

Hành vi dị hợm

Đỗ Thành
Thứ 7, 22/07/2023 | 08:03:56 833 lượt xem
BPO - “Dị hợm” theo nghĩa của từ điển tiếng Việt là để chỉ hành vi của người có nhận thức được thực hiện một cách khác thường, kỳ quái gần đến mức lập dị. Như vậy, “dị hợm” là tính từ phù hợp để chỉ những người trong các hội, nhóm được lập thời gian gần đây với sở thích mặc trang phục lính Mỹ và lính ngụy trước năm 1975, thậm chí cả trang phục thời phát-xít. Khoác lên người những bộ trang phục đó đã là phản cảm, nhiều người còn ca ngợi, cổ xúy cho việc làm đó, gây nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của đời sống văn hóa, xã hội. Hậu quả rất khó lường nếu tình trạng này không được lên án, ngăn chặn kịp thời.

Sau vụ việc tấn công trụ sở 2 xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vào ngày 11-6-2023, các lực lượng chức năng ngoài truy bắt những đối tượng tham gia tấn công còn tích cực làm rõ số vũ khí, quân phục mà nhóm khủng bố này có được là do đâu. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cơ quan chức năng thu giữ hàng ngàn bộ quần áo rằn ri, quân phục được cho là của chế độ cũ không rõ nguồn gốc. Các bộ trang phục này được kinh doanh trên thị trường khá phổ biến nhằm phục vụ nhu cầu số ít của người tiêu dùng. Có người mua về để đi làm vườn, làm rẫy vì những trang phục này có giá thành rẻ, độ bền cao, nhưng cũng có những người mua về mặc để thỏa mãn thú vui “dị hợm”.

Hình ảnh một số người mặc quân phục lính Ngụy trước năm 1975, quân phục của lính Mỹ được bắt gặp ngày càng nhiều trên mạng xã hội và đường phố Việt Nam. Kỳ quặc hơn nữa, họ còn diễu võ dương oai trong những địa danh lịch sử cách mạng, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ làm nhân dân rất bức xúc, cảm thấy đầy sắc thái lố lăng, phản văn hóa. Mới đây, dư luận xã hội đã dậy sóng khi tại Lễ hội áo dài hoa cúc biển tại Cửa Lò, ban tổ chức đã cho đoàn xe Jeep cắm cờ, gắn logo Mỹ; lái xe mặc quần áo rằn ri thời Việt Nam Cộng hòa chở theo dàn người đẹp xuống phố gây phản cảm. Thậm chí quân phục của Sư đoàn lính dù Mỹ (thêu hình con diều hâu trên tay áo, đội mũ nồi đỏ) được một số người khoác lên với vẻ mặt đầy tự hào. Thực sự những người này có biết hay không rằng lực lượng sư đoàn lính dù của Mỹ đã gây ra những tội ác như thế nào đối với nhân dân Việt Nam. Đó là “hạt sạn” không thể chấp nhận được của một lễ hội được tổ chức ở cấp huyện, tỉnh. Thực tế, trên không gian mạng, rất dễ dàng để gia nhập nhiều hội, nhóm yêu đồ lính kiểu như: phong cách lính miền Trung, anh em yêu đồ lính thủ đô, group yêu đồ lính thành Nam, đồ lính Mỹ, chơi đồ lính xứ Lạng, Hội đam mê đồ lính Hải Dương… Thành viên của những hội, nhóm này có số lượng lên đến hàng ngàn người. Việc giao lưu trong tỉnh hoặc ngoại tỉnh được các hội, nhóm này tổ chức thường xuyên. Nhiều người trong hội, nhóm cho rằng, việc sở hữu những món đồ độc, lạ là điều đáng tự hào. Và đa phần những món đồ đó đều sử dụng trong chiến tranh Việt Nam bởi lính Mỹ, ngụy. Xuất xứ, lai lịch của món đồ tỷ lệ thuận với chủ cũ của nó. Món đồ càng có giá trị sưu tầm khi chủ nhân cũ của nó càng oanh liệt, có nhiều thành tích chống cộng, giết hại dân lành. Đây thực sự là hành động ngầm tôn vinh bè lũ bán nước và đám tàn quân lưu vong. Một biến tướng của hoạt động xét lại lịch sử, ngầm cổ xúy gieo lại nỗi đau chiến tranh, kích động hận thù. 

Ngoài ra, hiện nay trên mạng xã hội lan truyền nhiều video clip với phần âm nhạc là những ca khúc của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũ. Những ca khúc này với ca từ đặc mùi sến sẩm và nội dung sặc mùi chống cộng. Hàng chục con người với trang phục đủ các thể loại quần áo rằn ri, vằn vện của ngụy quân và lính Mỹ trước năm 1975 được dùng để minh họa cho những ca khúc này. Họ diễn lại những cảnh chiến đấu với Quân đội nhân dân Việt Nam có đầy đủ súng, lựu đạn, dao găm và bị thương tơi tả. Các khu vực như: Khe Sanh thuộc tỉnh Quảng Trị, Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc tỉnh Ninh Bình, huyện Đình Lập thuộc tỉnh Lạng Sơn, huyện Cao Phong thuộc tỉnh Hòa Bình được họ chọn để quay clip. Điều đáng nói là những kẻ có sở thích “dị hợm” này lại tập trung nhảy nhót và hát các ca khúc đầy kích động ngay dưới khuôn viên một số trụ sở cơ quan nhà nước, khách sạn mà không bị lực lượng nào ngăn cản.

“Hãy ăn để thỏa mãn mình nhưng mặc để thỏa mãn người khác” là câu nói của Benjamin Franklin - nhà hoạt động xã hội, nhà ngoại giao người Mỹ, một trong những người thành lập đất nước của Hoa Kỳ; “Đầu tiên hãy biết mình là ai và sau đó ăn mặc cho phù hợp” là câu nói của nhà văn Epictetus; ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng kẻ khác”… Điều đó cho thấy, việc mặc cũng là một phần hết sức quan trọng, thể hiện tư duy thẩm mỹ, văn hóa và nhân cách của con người, cộng đồng. Đó là những danh ngôn của người nổi tiếng được thế giới ghi nhận về việc ăn, mặc. Tại sao những người này đều có địa vị, tiền bạc, đồ đẹp, vải tốt mà không mặc, lại đi mặc đồ của những kẻ bán nước, hại dân, một chế độ cũ ở miền Nam không lấy gì làm tốt đẹp. Mặc đồ của những kẻ đi đến đâu cũng đàn áp, bắn giết, cướp bóc, đốt nhà, đánh đập, tra tấn người Việt Nam đến đó thì có nên cổ xúy không? Đó là câu hỏi của nhiều bạn trẻ bình luận vào các trang hội, nhóm yêu đồ lính.

Cần nhìn nhận một thực tế biến tướng phức tạp và mang màu sắc chính trị là những gì mà hoạt động của các hội, nhóm lấy danh yêu đồ lính mang lại. Với quan điểm, tư tưởng hằn học như cách mà họ thể hiện lâu nay, những người này khi tham gia các hoạt động của cộng đồng sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, nhận thức, hành vi của các thành viên tham gia, nhất là giới trẻ. Cần kịp thời ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực này từ sớm, từ xa, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của đời sống văn hóa, xã hội. Điều đó chỉ có thể làm được khi có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm lớn của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Cách đây hơn 31 năm, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và giữ vững định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 143 ngày 12-5-1992. Môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở các đơn vị luôn được quân đội quan tâm xây dựng, phát triển và lan tỏa trong xã hội. Điều đó được thể hiện trong Quyết định số 3672 của Bộ Quốc phòng về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong quân đội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nhưng những người nhân danh yêu đồ lính đang đánh tráo khái niệm lính, bôi lem, bóp méo môi trường văn hóa ấy. Họ nhân danh yêu đồ lính nhưng lại mặc nguyên trang phục của lính ngụy trước năm 1975. Điều đó đã khiến nhiều người mới nghe tưởng đây là yêu lính bộ đội Cụ Hồ. Hành vi này thực chất là biểu hiện xâm lăng văn hóa, cần đấu tranh, phê phán.

  • Từ khóa
173171

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu