Chủ nhật, 12/05/2024 13:52:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 10:00, 06/07/2023 GMT+7

Phản biện không có “họ” với chửi rủa mù quáng!

Thảo Linh
Thứ 5, 06/07/2023 | 10:00:20 1,914 lượt xem
BPO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa khép lại với những câu chuyện, hình ảnh xúc động. Bên cạnh những cái ôm động viên cùng lời chúc tốt đẹp của cha mẹ, người thân dành cho con em trước khi vào phòng thi, còn rất nhiều hình ảnh đẹp thể hiện sự quan tâm của cả cộng đồng dành cho các thí sinh. Có người mẹ mang theo băng-rôn in hình nhóm nhạc thần tượng của con kèm câu chúc ngộ nghĩnh để cổ vũ trước khi con vào phòng thi; có em chống nạng đến phòng thi; có em được tình nguyện viên cõng vào phòng thi… Rồi hình ảnh các chiến sĩ công an, thợ điện phát nước uống và hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử cho phụ huynh trong lúc chờ con thi… đã làm ấm lòng biết bao người.

Tuy nhiên, vẫn có những kẻ lợi dụng “góp ý” cho giáo dục, trong đó có chuyện thi cử để thực hiện những việc phản giáo dục. Rồi từ chê bai giáo dục, họ chỉ trích Đảng, Nhà nước, phỉ báng chế độ.

Từ hội chứng “bức xúc” đám đông

Thời điểm trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, mạng xã hội “rần rần” về bài thi dài 21 trang của một nữ sinh đậu thủ khoa của Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Người ta không ngần ngại tuôn ra những lời sỉ nhục một học sinh mới 15 tuổi và đang chuẩn bị bước vào bậc THPT. Và nguồn cơn của “cơn bão mạng” gây tai họa cho em, cho gia đình, cho trường và ngành giáo dục nói chung bắt đầu từ bài viết của một vị tiến sĩ đại học đã lớn tuổi trên facebook.  

Ngay từ cái “tít” bài viết: “Dạy văn, dạy bốc phét”, ông tiến sĩ Chu Mộng Long, giảng viên Đại học Quy Nhơn đã thể hiện ngay định kiến của mình và quy kết nền giáo dục nước nhà. Nếu góp ý, tranh biện một cách đàng hoàng, hẳn đối tượng mà ông ta đề cập, trong đó có học sinh, có Trường THPT chuyên Hà Tĩnh và cả những người lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục và đào tạo có thể rút ra được điều gì đó hữu ích cho mình. Nhưng không, ông ta đã không ngần ngại tấn công một cô bé chỉ đáng tuổi con, cháu của mình rằng “em không có não”, “cái não bị điều khiển bởi kẻ khác” và so sánh em với “cái máy chạy chữ tự động” nhằm mục đích khác là chửi rủa chế độ. Và rồi, những kẻ “tay nhanh hơn não” giống như ông ta đã hùa vào chia sẻ, tán dương bài viết và tiếp tục bình luận sỉ nhục nữ sinh, sỉ nhục nền giáo dục, phỉ báng chế độ. 

4 năm trước, bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại với những hình tròn, vuông, tam giác thay cho âm, vần cũng đã nhận nhiều “gạch đá” trên các nền tảng số. Thời điểm ấy, các “anh hùng bàn phím” thi nhau chế video, clip, sáng tạo những câu chuyện mà trong đó lời thoại là “vuông, tròn, tam giác” và coi đó như một trào lưu tiêu khiển để chế giễu thứ mà chính họ cũng chưa hiểu rõ. Giới trẻ viết đơn xin việc, viết thư cho người yêu cũng “vuông, tròn, tam giác”. Học sinh gửi tin nhắn cho nhau cũng “vuông, tròn, tam giác”. Thậm chí một số nghệ sĩ nổi tiếng cũng hát “vuông, tròn, tam giác”...

Sự ồn ào của sách Tiếng Việt 1 vừa tạm lắng xuống lại đến công trình cải tiến tiếng Việt của PGS Bùi Hiền nhận “gạch đá” của cư dân mạng. Ở một khía cạnh nào đó, ý tưởng của PGS Bùi Hiền vào thời điểm ấy có thể là điên rồ, nhưng đây mới chỉ là công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân ông và việc công bố chỉ để thăm dò dư luận. Điều này thật bình thường trong nghiên cứu học thuật. Vậy mà không ít người dùng lời lẽ nặng nề, thô tục để lăng mạ, quy kết một nhà khoa học đã 80 tuổi. Nhiều người nhân danh “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”, nhưng lại dùng những từ ngữ xấu xí nhất của tiếng Việt để xỉ vả vị giáo sư già và công trình nghiên cứu hoàn toàn không sử dụng một đồng ngân sách nào của ông. 

Câu hỏi đặt ra là, trong hàng trăm bài báo, hàng chục ngàn bình luận về công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại cũng như dự thảo công trình cải cách tiếng Việt của PGS Bùi Hiền, liệu có bao nhiêu phần trăm tranh biện một cách nghiêm túc, thẳng thắn, thấu đáo những vấn đề khoa học và thực tiễn liên quan? Có bao nhiêu phần trăm thuộc sản phẩm truyền thông của nhóm lợi ích tung hỏa mù nhằm gây nhiễu loạn thông tin? Và có bao nhiêu phần trăm thuộc hội chứng bức xúc đám đông!? Đó chỉ là 3 trong vô vàn nạn nhân trên con đường cải cách, chấn hưng giáo dục. Mà không riêng giáo dục, bất kỳ lĩnh vực nào cũng rất cần tranh luận và phản biện, bởi đây là điều cần thiết cho sự phát triển. Thế nhưng thay vì góp ý, phản biện trên cơ sở khoa học và sự hiểu biết của mình, đám đông lại chọn cách “đánh hội đồng”, thóa mạ những người suy nghĩ và làm khác mình. Nhưng bất chấp điều đó, vẫn sẽ có những người sẵn sàng dấn thân cho ngành giáo dục nước nhà.

…đến lợi dụng tranh luận để chống phá

Vào thời điểm ngành giáo dục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển đầu vào các cấp học, mạng xã hội xuất hiện lại các bài viết bàn về quan điểm “học không thi cử, không chấm điểm” theo phương pháp thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại. Rõ ràng, khi viết ra phương pháp thực nghiệm, GS Hồ Ngọc Đại chỉ thiên về yếu tố khoa học. Thế nhưng quan điểm của ông đã bị một số người lợi dụng việc “góp ý” để thóa mạ, xỉa xói nền giáo dục nước nhà bằng những từ ngữ thô tục và gắn yếu tố chính trị vào. Vẫn biết một hệ thống thi cử kém sẽ đem lại những hệ quả xấu, như tốn công sức, tiền của vào việc học để thi thay vì học để hiểu biết; rồi thói gian lận trong thi cử; tâm lý căng thẳng, chán học… Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà toàn thế giới.

Chuyện lạm dụng thi cử ở nước ta là có và đã bị xử lý nghiêm minh. Xưa nay và ở đâu cũng vậy, có học là có thi. Về bản chất, thi cử giống như vụ mùa thu hoạch sau một chu kỳ cày cấy, bón chăm. Ai bỏ công nhiều, người ấy sẽ thu được nhiều hoa lợi và ngược lại. Bao nhiêu học sinh, sinh viên Việt Nam đã được vinh danh tại các kỳ thi quốc tế. Đâu thể vì tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức hay chuyện gian lận thi cử ở nơi này, nơi kia mà bỏ thi cử được!

Trở lại câu chuyện của vị tiến sĩ Chu Mộng Long, không ai cấm ông ta góp ý, phản biện. Một xã hội không có tranh biện sẽ tạo sự trì trệ. Nhưng không thể nhân danh sự bức xúc trước một số vấn đề, hiện tượng của ngành giáo dục hiện nay để thực hiện những việc phản giáo dục. Bởi tranh biện hoàn toàn không có “họ hàng gì” với thói chửi rủa tùy tiện và mù quáng. Và bởi đó chính là miếng mồi ngon cho những kẻ lợi dụng việc “góp ý”, “phản biện” để quy kết, chống phá Đảng, Nhà nước, gây bất ổn xã hội.

  • Từ khóa
172076

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu