Chủ nhật, 12/05/2024 15:59:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:30, 04/07/2023 GMT+7

Miệng lưỡi dao găm

Anh Tú
Thứ 3, 04/07/2023 | 09:30:07 2,048 lượt xem
BPO - Từ ngày 25 đến 28-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường. Lợi dụng điều này, nhiều “mõ làng dân chủ” đã xuyên tạc thông tin, đưa ra nhiều lập luận độc hại, sai trái nhằm gây nhiễu loạn tình hình.

Mỗi dịp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đến thăm Trung Quốc, các thế lực xấu lại ráo riết tung ra những thông tin lệch lạc, xuyên tạc nhằm bôi nhọ lãnh đạo, gieo rắc nhận thức sai lầm trong quan hệ giữa hai nước đến người dân, kích động sự hoài nghi, bất mãn trong xã hội. Dĩ nhiên, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Trước, trong và sau chuyến thăm, các “loa làng dân chủ” như Việt Tân, Chân trời mới Media, Tiếng dân News… đã lũ lượt nối nhau đưa ra các luận điệu chống phá. Chúng cho rằng “lãnh đạo Việt Nam đang “đi xứ thiên triều” để củng cố quyền lực của bản thân”. Chúng trắng trợn vu khống: “Đảng Cộng sản Việt Nam phớt lờ vận mệnh dân tộc, không dám lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Chúng trơ tráo cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện “ngoại giao cây tre” để đem lại lợi ích cho Đảng, còn lợi ích lâu dài của quốc gia hay dân tộc chỉ là thứ yếu”… Từ đó, chúng đòi Việt Nam phải chấm dứt quan hệ hợp tác với Trung Quốc, phải bắt tay với các nước tư bản phương Tây, phải từ bỏ đường lối “ngoại giao cây tre”… (?!). Đây là những luận điệu xảo trá, thâm độc, được chuẩn bị kỹ lưỡng với mục đích phá hoại sự bình yên của đất nước.

Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tự quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc mình, không bao giờ chấp nhận việc lệ thuộc, phục thuộc vào quốc gia khác. Ngày 1-2-2023, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trinidad và Tobago, Việt Nam đã có mối quan hệ với 192 quốc gia trên thế giới (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc). Nhắc lại để thấy Việt Nam luôn sẵn sàng, chủ động mở rộng các mối quan hệ với những ai sẵn sàng hợp tác với Việt Nam một cách thiện chí.

Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam. Dù lịch sử quan hệ có lúc thăng, lúc trầm nhưng không thể phủ nhận được việc giữa hai nước đang “cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung”. Và cũng nói thẳng, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là ngang hàng, bình đẳng, không bên nào lệ thuộc bên nào. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc - Nam cũng khác/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương”. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, bảo vệ độc lập dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Không bao giờ có việc Đảng, Nhà nước Việt Nam thờ ơ, phớt lờ vận mệnh dân tộc như những gì các đối tượng xấu cố tình tô vẽ ra nhằm hù dọa người dân.

Hiện nay, tranh chấp chủ quyền biển đảo đang là bất đồng lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thông cáo báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc đã nêu rõ hai bên sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng liên quan đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường hợp tác trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông. Đồng thời, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông” (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở quan trọng để giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Nước ta đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Không chỉ riêng mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đang mở rộng hợp tác với tất cả bạn bè thế giới. Quan điểm nhất quán của chúng ta là trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chuyến thăm, làm việc, giao lưu, tiếp xúc cấp cao với lãnh đạo các nước trên thế giới. Trước khi thăm Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều chuyến công du nước ngoài, tới các nước Singapore, Brunei, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Lào… Tuy nhiên, qua miệng lưỡi “một bồ dao găm” của giới “mõ làng dân chủ”, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Trung Quốc đã bị tô vẽ thành những “thuyết âm mưu” kệch cỡm. Thế mới thấy, các “nhà dân chủ” luôn có khả năng “đổi trắng thay đen”, đơm đặt, xuyên tạc ở mức độ thượng thừa.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chân thành, thiện chí trong quan hệ quốc tế. Trong đó, lợi ích quốc gia - dân tộc là điều hướng tới cao nhất. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mỗi người con đất Việt cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; luôn gắn bó, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm sự quản lý của Nhà nước và không ngừng bồi dưỡng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

  • Từ khóa
171894

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu