Thứ 3, 21/05/2024 03:01:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:00, 18/11/2021 GMT+7

Ghen ăn tức ở

Thứ 5, 18/11/2021 | 05:00:00 625 lượt xem
BPO - Khác với mọi lời xuyên tạc, chê bai, trong những ngày qua, người dân thủ đô Hà Nội vẫn xếp hàng để được trải nghiệm đi thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được đưa vào vận hành. Có lẽ sự vận hành một cách trơn tru, chuẩn xác và sự háo hức mong chờ của người dân lại là sự không mong muốn của không ít người ích kỷ. Không thể chê bai khi con tàu đã lăn bánh, các tổ chức vốn “ghen ăn tức ở” như: Việt Tân, BBC, RFA… liền tìm những lý do khác nhau để hướng lái dư luận nhằm tẩy chay tuyến đường sắt này.

Trong đó, đài BBC lấy một ý kiến được cho là của một độc giả đã đi thử cho rằng tàu Cát Linh - Hà Đông “nhanh hơn rùa một chút”, không giải quyết được nhu cầu đi lại và giảm ùn tắc giao thông. Còn RFA thì lại lấy lý do dịch Covid-19 và an toàn của người dân để kích động tẩy chay đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tổ chức khủng bố Việt Tân lại khóc hờ cho quá khứ bị thực dân đô hộ, bóc lột trước kia với bài viết “Những điều lý thú về tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho”, với câu kết cho rằng: “Thực dân Pháp đã làm được thế đấy từ 136 năm về trước cho nước ta”. Bản chất của những luận điệu này đều là tự suy luận, không có cơ sở khoa học.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, toàn bộ đi trên cao. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435mm; tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút. Chúng ta phải hiểu rằng tốc độ 35km/giờ được khai thác ở đây là tốc độ trung bình tính cả lúc dừng chờ đón - trả khách ở các nhà ga; thời gian tác nghiệp kỹ thuật ở ga đầu - ga cuối; thời gian tăng tốc, giảm tốc... Bên cạnh đó, tốc độ khai thác này còn tùy thuộc vào thiết kế khoảng cách giữa các nhà ga với nhau. Ví dụ như khoảng cách giữa các ga tàu điện ngầm ở Paris (Pháp) là khoảng 600m, trong khi con số này ở Moscow (Nga) là 1,7km. Một số nước khác thì xây dựng các ga tàu điện ngầm cách nhau khoảng 1,2-1,3km như hệ thống tàu điện ngầm ở London (Anh), Tokyo (Nhật Bản). Theo đó, khoảng cách giữa các ga càng lớn nghĩa là số điểm dừng trên toàn tuyến sẽ ít hơn và tốc độ thương mại của tàu sẽ cao hơn. Ví dụ như tàu điện ngầm ở Moscow (Nga) có tốc độ trung bình lên tới 41km/giờ khi khoảng cách giữa các ga là 1,7km, còn tàu điện ngầm ở Paris có tốc độ khoảng 25km/giờ vì khoảng cách giữa các ga chỉ là 600m. Tốc độ trung bình của các tàu điện ngầm tại Tokyo khoảng 30km/giờ, còn London là 33km/giờ. 

Và điều đó chứng minh rằng, ở các nước phát triển trên thế giới, tốc độ trung bình của các tuyến metro cũng không quá cao, thậm chí ở New York (Mỹ), hệ thống metro vô cùng nhộn nhịp với hàng triệu hành khách mỗi ngày nhưng tốc độ trung bình của tàu cũng chỉ đạt khoảng 27km/giờ. Như vậy, với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km có 12 ga thì khoảng cách trung bình giữa các nhà ga khoảng 1,1km, tốc độ trung bình khai thác 35km/giờ là phù hợp, không giống như những gì mà BBC cố tình xuyên tạc.

Đối với vấn đề phòng dịch Covid-19, khi mở cửa lại nền kinh tế, trong đó có các dịch vụ công cộng, chính quyền Hà Nội đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với những tình huống xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng và trên các phương tiện giao thông công cộng, tàu điện Cát Linh - Hà Đông cũng không phải ngoại lệ. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero Covid”, đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần. 

Để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, tại các ga tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đều bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí, đo thân nhiệt hành khách và yêu cầu khách khai báo y tế điện tử hoặc ghi giấy. Tất cả khách đi tàu, nhân viên nhà ga đều đeo khẩu trang. Trường hợp khách nào không đeo hoặc quên khẩu trang đều được nhắc nhở và cung cấp miễn phí khẩu trang cho khách. Mặt khác, Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Hà Nội Metro) cũng phối hợp lực lượng công an điều tiết, giãn sự tập trung đông người ở tầng 1 và tầng 2 các ga; bố trí các đường dẫn để hành khách đi, chờ đợi theo hàng. Tại các nhà ga cũng được bố trí phòng cách ly y tế tạm thời nhằm cách ly trường hợp hành khách có biểu hiện triệu chứng nhiễm Covid-19 (như ho, sốt, khó thở...). 

Bên cạnh đó, những pa-nô về thông điệp “5K” được dán tại nhiều vị trí ở các nhà ga và trên tàu để nhắc nhở hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng cũng được niêm yết để kịp thời thông tin khi có vi phạm về quy định phòng, chống dịch. Rõ ràng, thực tế đã chứng minh những luận điểm của RFA quy chụp, gây hoang mang cho nhân dân.

Còn việc so sánh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện nay với tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho do thực dân Pháp xây dựng, có lẽ lý do duy nhất là Việt Tân vẫn đang căm tức những người cộng sản vì họ đã giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho Việt Nam. Hay nói một cách mỹ miều, lắm chữ là những người cộng sản đã đánh đuổi “nền văn minh tiến bộ” ra khỏi đất nước. Để rồi, khi tìm cách đả phá đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa đưa vào khai thác thì chúng lại khóc hờ cho quá khứ bị thực dân đô hộ, bóc lột trước kia. Chúng đã cố lờ đi lý do tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho vì sao được xây dựng một cách nhanh chóng đến vậy, lờ đi sự khác nhau về tuyến đường sắt đô thị và tuyến đường sắt liên vùng. 

Thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt này là nhằm nhanh chóng khai thác nguồn tài nguyên dồi dào của khu vực Nam bộ chứ chẳng phải để phục vụ cho sự văn minh của người Việt. Mọi sự sáng tạo, những nỗ lực của người Pháp trong xây dựng, vận hành tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho chỉ nhằm mục đích bóc lột tài nguyên của nước Việt Nam, thế mà chúng vẫn đang tán dương tuyến đường sắt thực dân ấy. Chúng tự hào về 70km đường sắt mà thực dân Pháp xây thì chúng nên nhớ Việt Nam đã bị mất độc lập, tự do, mất tài nguyên, mất danh dự của một dân tộc anh hùng. Qua bài viết kiểu này, càng thấy rõ bản chất của Việt Tân, chúng luôn luôn tự hào về lịch sử nô lệ, mất độc lập của dân tộc. Với chúng, thà làm nô lệ chứ không muốn đất nước độc lập. Sự nô dịch về tư tưởng, suy nghĩ đã ăn sâu vào não của chúng.

Theo thống kê của Hà Nội Metro, chỉ sau vài ngày đưa vào khai thác, đã có hàng chục ngàn lượt hành khách đi tàu hằng ngày, điều đó chứng tỏ người dân Hà Nội bước đầu đã thấy được hiệu quả và tiện ích của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nó như cái tát vào mặt những luận điệu xuyên tạc của bọn “ghen ăn tức ở”. Chúng ta cần vạch trần bộ mặt thật và những chiêu trò chống phá của chúng để nhân dân hiểu rõ, nêu cao tinh thần cảnh giác, không mắc phải các mưu đồ thâm độc, xảo quyệt của những kẻ phản bội lợi ích của quốc gia, dân tộc.                             

Lê Đô

  • Từ khóa
132745

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu